Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng được thành lập ngày 17/3/2004 theo Quyết định số 37/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi thành lập, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Cao Bằng, Sở Ngoại vụ Cao Bằng đã tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ.
Năm 2008, tỉnh Cao Bằng hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, góp phần giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới; tạo thuận lợi để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa xuyên biên giới.
Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, mở rộng quan hệ quốc tế, đối ngoại, Sở Ngoại vụ Cao Bằng tham mưu tổ chức các đoàn đi công tác, làm việc tại các nước; tổ chức đón tiếp 747 đoàn nước ngoài nghiên cứu, khảo sát, hội nghị, hội đàm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.
Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng đã tham mưu, thẩm định để địa phương ký kết 350 thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài, qua đó, tăng cường kết nối, hợp tác, thúc đẩy phát triển.
Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel
Trong ngoại giao kinh tế, Sở Ngoại vụ cũng đã tham mưu, mở rộng hợp tác, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Cao Bằng đã thu hút được 31 dự án sử dụng vốn ODA, với tổng số vốn 3.881 tỷ đồng. Tỉnh Cao Bằng thu hút được 6 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký khoảng 18 triệu USD; thu hút, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được 37,5 triệu USD.
Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Sở Ngoại vụ Cao Bằng đã tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, giá trị, thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển du lịch, ngành ngoại vụ Cao Bằng tham mưu, triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc), hoàn thành hợp tác du lịch xuyên biên giới.
Sở Ngoại vụ cũng đã tham mưu cho tỉnh Cao Bằng thúc đẩy hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, hữu nghị toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc biểu dương thành tích đạt được của Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng. Đồng chí đề nghị, Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai các hoạt động đối ngoại của địa phương.
Trong đó, cán bộ ngoại vụ cần tập trung, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, định hướng chiến lược, tư vấn chính sách, kịp thời thông tin về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác với các đối tác quốc tế.
Đồng thời, công tác đối ngoại của tỉnh cũng cần quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế; xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh, thành phố đối tác trên thế giới, trước hết là với các địa phương ở Trung Quốc; ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá Cao Bằng với thế giới, đưa thế giới đến với Cao Bằng.
Dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao tặng Bằng khen cho Sở Ngoại vụ và 6 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ quốc gia giai đoạn 2004-2024; tặng Bằng khen 5 tập thể, 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc-Đức Thiên.