Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân

NDO -

Ngày 16-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân (1920-2020) – nhà văn, diễn viên, người có những tác phẩm để đời, được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến và ghi nhớ. Đông đảo văn nghệ sĩ, đại diện gia đình nhà văn Kim Lân và bạn đọc tại Thủ đô đã tới dự. 

Nhà văn Kim Lân qua góc máy của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.
Nhà văn Kim Lân qua góc máy của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1920, mất năm 2007, sinh tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông có một tuổi thơ cơ cực, sớm phải nghỉ học bươn chải với nghề sơn, khắc. Ông bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941 và tạo được dấu ấn khi khai thác những đề tài độc đáo về làng quê Việt Nam. Có thể kể đến các tác phẩm nổi bật: “Đứa con người vợ lẽ”, “Đứa con người cô đầu”, ‘Người kép già”, “Con mã mái”… đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật tạo được sự chú ý của bạn đọc, bạn viết.

Năm 1944, nhà văn Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và trở thành tên tuổi nổi bật trên văn đàn với giọng văn chỉn chu, sắc bén. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tiếp tục làm báo, viết văn, khẳng định uy tín văn chương với tác phẩm chính, như: “Nên vợ nên chồng” (tập truyện ngắn, 1955), “Con chó xấu xí” (tập truyện ngắn, 1962). Nǎm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

Bên cạnh những trang văn sâu sắc, nhà văn Kim Lân còn để lại trong lòng công chúng ấm tượng về những vai diễn trên màn ảnh rộng qua những bộ phim: “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Tắt đèn”, “Vợ chồng A Phủ”…

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân -0
 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, văn chương của Kim Lân cô đúc và nén chặt, giống như giọt sương soi được biển cả. Giữa một xã hội đen tối và ngột ngạt Kim Lân đã thắp lên ánh sáng qua những tác phẩm của mình. Những gì đọng lại sâu lắng nhất trong văn chương của ông chính là hồn cốt của tình người, mặc dù số lượng tác phẩm của ông không nhiều.

Tại lễ kỷ niệm, các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ, dịch giả: Phong Lê, Trần Đăng Suyền, Thúy Toàn, Bùi Việt Thắng, Lê Thành Nghị, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hiếu, Trần Thị Việt Trung… đã đọc tham luận khẳng định, ở các giai đoạn sáng tác, nhà văn Kim Lân luôn có những tác phẩm hay, vững vàng, đặc sắc về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn mộc mạc. Những tác phẩm văn học xuất sắc của ông vừa góp phần khẳng định tài năng văn chương vừa đi sâu vào tâm hồn người đọc để từ đó lại bắt gặp bóng dáng của ông, gia đình và làng quê nơi ông sinh ra và gắn bó như chính Kim Lân từng thừa nhận: “Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình”.