Kỷ nguyên mới đã mở ra với bóng đá Anh

NDO -

Hơn nửa thế kỷ thất vọng đã kết thúc. Anh bước vào trận chung kết EURO đầu tiên sau 55 năm và kỷ nguyên mới đã mở ra trước mắt.

Tuyển Anh đã thay đổi định kiến về một đội tuyển thất bại khi vào đến chung kết Euro 2020. (Ảnh: The Sun)
Tuyển Anh đã thay đổi định kiến về một đội tuyển thất bại khi vào đến chung kết Euro 2020. (Ảnh: The Sun)

Khi Anh lọt vào bán kết World Cup 2018, bất chấp thất bại trước Croatia, ý tưởng tổ chức một cuộc diễu hành bằng xe bus để vinh danh những người hùng đã được đề xuất. 

Người Anh cuồng bóng đá, nhưng môn thể thao này chưa đến mức phát triển thành một thứ tôn giáo như Italia, Argentina hay Brazil. Vì lẽ gì họ lại dễ dãi trong việc “phong thánh” cho những người mới chỉ vào đến bán kết?

Tất cả vì nước Anh, dù tự hào là quê hương bóng đá nhưng lại có quá ít cơ hội để ăn mừng. Cho đến nay, chức vô địch World Cup 1966 vẫn là chiến tích lừng lẫy duy nhất mà Tam sư giành được. 55 năm trôi qua kể từ đó, họ mỏi mòn chờ đợi một lần nữa lên ngôi. Và khi hy vọng chuyển thành nỗi thất vọng kéo dài, lọt vào bán kết đã được coi là chiến tích lớn. Nhiều người cho rằng nước Anh quá ngạo mạn khi hát “Bóng đá đang trở về nhà”, song không phải. Bài hát này giống như một lời than thở, một bản thánh ca gửi gắm niềm tin hơn là tuyên bố cao ngạo.

Giờ thì có vẻ “bóng đá đang trở về nhà” thật. Ít nhất nó cũng đã tới ngưỡng cửa. Tam sư đã vào đến chung kết, lần đầu tiên sau 55 năm chỉ nhận lấy đau thương ở các giải đấu lớn. Những giọt nước mắt đã ngừng rơi, sau khi đã rơi quá nhiều, đến mức trở thành một phần của bóng đá Anh.

Paul Gascoigne đã khóc ở World Cup 1990, David Beckham khóc tại World Cup 1998, World Cup 2006 là Frank Lampard và 2018 với Harrry Kane. Ngay cả Southgate cũng khóc, ở bán kết Euro 1996 sau khi đá hỏng quả phạt đền trong loạt luân lưu. Tiến sĩ Thomas Dixon, trong một cuốn sách, viết rằng nước mắt là đặc trưng của dân tộc Anh.

Đã đến lúc lịch sử thay đổi. Người Anh đã trưởng thành từ thất bại, biến nước mắt thành hành động và dần thành thạo cách để giành chiến thắng. 120 phút trước Đan Mạch là minh chứng. Lần đầu tiên bị dẫn trước tại Euro 2020 nhưng Tam sư đã băng qua áp lực và đáp trả bằng hai bàn thắng. Việc Kane lao đến và đá bồi sau khi cú sút đầu tiên trên chấm phạt đền bị Kasper Schmeichel cản lại là một hình ảnh thu nhỏ khác. Họ có thể sai lầm, nhưng sẽ đứng dậy ngay sau đó để thực hiện cuộc phản kích.

Điềm tĩnh và nhẫn nại, không nản lòng trước nghịch cảnh, tuyển Anh hiện tại khác xa thế hệ trước đây. Họ cũng có thừa sự khôn ngoan để sẵn sàng chơi thực dụng khi cần, như trong khoảng thời gian cuối hiệp phụ hai. Trên hết, đội tuyển Anh này thật sự chiến đấu cùng nhau với sự ngoan cường và ý chí mạnh mẽ. Họ là một tập thể đúng nghĩa, không phải tập hợp rời rạc của các ngôi sao như quá khứ.

Ngày 12/7 tới, đội quân của Southgate sẽ bước vào trận chung kết mà xứ sương mù đã mơ ước suốt nửa thế kỷ. Đối thủ của họ là Italia, những người từng bốn lần vô địch thế giới và đang chơi thứ bóng đá hấp dẫn bậc nhất. Đó sẽ là một đêm vô cùng khó khăn, với lời nhắc nhở từ lịch sử rằng Anh đã không đánh bại Italia trong bảy lần đối đầu gần nhất tại World Cup và Euro.

Tuy nhiên, với sức mạnh cùng bản lĩnh đã được trui rèn, có nhiều cơ sở để tin Anh sẽ không còn mang tới thất vọng. Những giọt nước mắt, sự bi thương và bóng ma thất bại… tất cả cần phải kết thúc để Tam sư bước vào thời đại mới, khi “bóng đá về nhà”.

Euro 2020