Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn đại diện các hộ nông dân trong tỉnh ký kết và triển khai canh tác với diện tích trồng lúa khoảng hơn 100 nghìn ha, được Công ty Cổ phần nông sản Lộc Trời bao tiêu lúa. Đây là một trong những đơn hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa mất giá” cho nông dân. Các đơn hàng dạng này tạo thuận lợi cho việc tổ chức mùa vụ một cách chủ động thông qua mô hình liên kết sản xuất.
Riêng 123 máy gồm 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm trị giá gần 100 tỷ đồng là phần đóng góp từ lợi nhuận của các đối tác có cùng định hướng phát triển bền vững với Tập đoàn, đồng lòng và hiệp lực đẩy mạnh việc cơ giới hóa đồng bộ các hoạt động canh tác mùa vụ trên quy mô lớn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời phát biểu: “Lộc Trời và các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp sẽ không ngừng nỗ lực liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất lúa gạo quy mô lớn bằng cơ giới hóa đồng bộ. Trên cơ sở đó, Lộc Trời sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như giống, phân, thuốc, công lao động… để giảm giá thành, nâng chất lượng lúa gạo, đồng thời quy hoạch vùng trồng giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu truy xuất được nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, có chất lượng phù hợp với các thị trường khác nhau, tăng giá bán và nâng cao lợi thế cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Qua đó, chúng tôi tin rằng, bằng việc trồng lúa, nông dân vẫn có được cuộc sống sung túc trên đồng ruộng của chính mình, ngay ở mảnh đất quê hương mình”.