Tới dự, có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng và Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng chủ trì hội nghị.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng luôn được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng; góp phần củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương, của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua và tổ chức thi hành chặt chẽ, đúng pháp luật. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Bộ Quốc phòng soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nhiều dự án Luật như: Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… góp phần thể chế chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh: Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng năm 2022 và toàn khóa Quốc hội khóa XV rất nặng nề, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu sát, hiệu quả.
Việc ký Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng là cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan, đơn vị quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng; tiếp tục chủ động phối hợp, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những nội dung liên quan đến quân sự, quốc phòng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời phối hợp các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.