Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chiều 24/6, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nêu rõ: Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp này đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định kỳ họp thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước dự phiên bế mạc. (Ảnh ÐĂNG KHOA)
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước dự phiên bế mạc. (Ảnh ÐĂNG KHOA)

Dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ðỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại biểu Quốc hội.

Ðể các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả”, theo Chủ tịch Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III/2023.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Ðất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 8 dự án luật.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại biểu tại phiên bế mạc. (Ảnh ÐĂNG KHOA)

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này...

Chiều qua, với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là thực hiện giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 11/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 21/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này. Kết quả đã nhận được 432 ý kiến. Có 342 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 90 đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung.

Liên quan đến giảm thuế Giá trị gia tăng, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo Nghị quyết. Ðồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Trước phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, với 475/478 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 481/484 phiếu tán thành. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Ðức... Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Ðịnh, Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Ðể khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những đề xuất, kiến nghị của Ðoàn Giám sát.

Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo rà soát, hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn kinh phí còn dư được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật…

Sáng qua, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 95,14% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp chủ trương, đường lối của Ðảng, tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật. Bộ Công an tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật.

Chiều qua, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.