Triển lãm giới thiệu tới công chúng 70 bức ký họa được sáng tác trực tiếp tại chiến trường miền nam trong giai đoạn 1954-1975. Đây là những bức họa nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm có chất liệu và đề tài vô cùng phong phú. Các họa sĩ đã sử dụng các chất liệu như màu nước, bột màu, bút sắt, chì, khắc gỗ… để ghi lại một cách chân thực, sinh động, thậm chí tỉ mỉ những hình ảnh về con người, cảnh vật cũng như các hoạt động, cuộc sống và cuộc chiến đấu nhiều cam go gian khổ của quân và dân Nam Bộ. Những bức vẽ vào thời điểm đó được ghi lại bằng cảm xúc của các họa sĩ cả hai miền nam bắc.
Giai đoạn 1954-1975, nhiều họa sĩ không đứng ngoài cuộc chiến mà đã lên đường vào chiến trường miền nam. Đó là những người con xa quê nay muốn trở về như các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thanh Châu, Lê Hồng Hải, Hà Quang (Nguyễn Quang Bửu), Huỳnh Quốc Trọng… Một số sinh viên mỹ thuật tại Sài Gòn sớm giác ngộ Cách mạng, theo phong trào thanh niên ra bưng biền cầm súng trực tiếp chiến đấu như Trang Phương, Cổ Tấn Long Châu…., những họa sĩ được đào tạo từ trường Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội hoặc được đào tạo từ nước ngoài trở về như Thái Hà, Lê Lam, Phạm Đỗ Đồng, Trịnh Dũng… đều sẵn sàng ra chiến trường để góp sức vào cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.
Phần lớn các bức ký họa trong triển lãm ghi lại hình ảnh cuộc sống đời thường, sinh hoạt, lao động thời chiến, cũng như những khoảng lặng giữa các trận đánh, hoặc chuẩn bị bước vào trận đánh. Có những hình ảnh hết sức bình dị như “Nghỉ đêm trong làng rừng” (Thái Hà-1966), “Tương trợ anh chị nuôi” (Hà Quang Bửu) - với những cô cậu học trò còn nguyên chiếc khăn quàng trên vai vào phụ công việc cho anh chị nuôi, “Trên đường vào nam cắt tóc” (Lê Lam) - người chiến sĩ cắt tóc trước khi vào chiến trường, “Đọc thư nhà” (Nhất Tâm), “Cạo mủ cao su” (Trương Hồng Thanh-1961), “Sản xuất vũ khí thô sơ” (Trương Hồng Thanh-1961), “Tại bệnh xá” (Hà Quang Bửu)…
Chiếm một số lượng cũng không nhỏ trong triển lãm là những bức ký họa chân dung. Phần lớn là ký họa về những con người hết sức bình dị, có bức ghi rõ đầy đủ họ tên nhân vật, chiến công, thành tích, nhưng cũng có bức chỉ ghi chung chung, như một gương mặt, một con người mà bất chợt họa sĩ bắt gặp trên đường ra trận, như “Má Hai Ghé” (Cổ Tấn Long Châu, năm 1967), “Du kích xã Lộc Điền” (Trịnh Dũng), “Anh Phạm Văn Sáu” (Huỳnh Phương Đông, năm 1967), “Thương binh Lê Văn Công” (Vũ Thanh Hoa), “Em Chí” (Trịnh Dũng), “Ái Việt” (Lê Lam, 1969), “Bà Nguyễn Thị Định” (Lê Lam, 1969), “Chân dung anh” (Hoàng Anh)… Hay như bức “Tô Văn Đực” (Cổ Tấn Long Châu), họa sĩ có ghi chú thích rất cụ thể: “Người kỹ sư phát minh loại mìn gạt với trình độ văn hóa lớp 1, với phương tiện thiếu thốn. Người chiến sĩ du kích dũng cảm trong chiến đấu. Dũng sĩ diệt cơ giới (13 chiếc M113 và M118), dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”... Họa sĩ Lê Lam đóng góp tới 4 bức ký họa chân dung trong số tranh trưng bày tại triển lãm.
Hình ảnh cuộc chiến được đề cập đến qua những bức như “Bám giặc”, (Trương Hồng Thanh, 1967), “Những đôi vai”, (Nhất Tâm), “Hoa xuân trên cáng thương” (Huỳnh Phương Đông), “Trận Bình Giã 1965”, (Huỳnh Phương Đông), “Truy kích địch trên lộ 4” (Nhất Tâm), “Xây hầm tránh pháo” (1966, họa sĩ Thái Hà ghi lại ở Cà Mau), “Ngoan cường chiến đấu” (Cổ Tấn Long Châu), “Sẵn sàng khi địch đến” (Phạm Quyết Chiến), “Vượt sông đêm” (Huỳnh Phương Đông), “Bộ đội hành quân” (Nguyên Đào)…
Chia sẻ về triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh nói: “Ký họa kháng chiến là một trong những thể loại ký họa đặc biệt, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, xuất phát từ việc ghi nhận những hình ảnh, nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20. Trong giai đoạn đầu, các họa sĩ vẽ chưa nhiều. Nhưng cuộc chiến càng khốc liệt, mất mát thương đau càng nhiều, các họa sĩ nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình, nên tranh thủ từng phút từng giờ để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác từng con người, từng sự kiện, quang cảnh của đất nước. Ngoài việc ký họa để lưu giữ và xây dựng bố cục cho tác phẩm nghệ thuật sau này, đây cũng chính là động lực lớn nhất thúc đẩy sự ra đời của ký họa kháng chiến miền nam”.
Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh cũng chia sẻ, ký họa kháng chiến miền nam ra đời và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền nam trong chiến tranh, với hàng nghìn bức ký họa ra đời. Ký họa kháng chiến miền nam chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh, đây là điểm khác biệt nổi bật của ký họa chiến trường Việt Nam.
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam xúc động chia sẻ: “Tôi hết sức xúc động khi được gặp lại những nét vẽ quen thuộc của những họa sĩ-chiến sĩ đã có nhiều năm tháng lăn lộn trên chiến trường miền nam để ghi lại những nét vẽ của quân và dân miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta không thể quên danh họa Tô Ngọc Vân, người đã vẽ những ký họa đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đã mở đầu cho một dạng tác chiến nhanh nhất, kịp thời nhất và cũng rất đẹp, ghi lại hình ảnh chỉ xuất hiện một lần, tạo ra một tiền đề, một khởi đầu tốt đẹp cho một thể loại tranh ký họa đặc biệt là ký họa kháng chiến. Những bức ký họa này đã giữ lại cho chúng ta những trang sử bằng tranh được đổi bằng cả tính mạng của các liệt sĩ trên chiến trường”.
Triển lãm mở cửa từ ngày 26/4 đến hết ngày 8/5/2022 tại Không gian triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.