Kon Tum phải làm gì, để hết năm 2008 này, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất?
Nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc
Triển khai thực hiện Quyết định 134/2004/QÐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình từ tỉnh đến cơ sở. Cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, cấp huyện giao cho Phòng Dân tộc - Tôn giáo làm cơ quan thường trực, phối hợp các xã, thị trấn triển khai thực hiện chương trình. Ðối tượng được hưởng lợi từ chương trình giao cho các thôn, bình bầu từ cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, nên không bị sót và bảo đảm công bằng.
Theo Quyết định 134, các đối tượng được hưởng chính sách là các hộ đồng bào nghèo, sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; thiếu đất sản xuất, đất ở thì được hỗ trợ mức thấp nhất là 0,5 ha đất nương rẫy, hoặc 0,25 ha đất ruộng sản xuất một vụ, hoặc 0,15 đất ruộng sản xuất hai vụ; 200 m2 đất ở... Do số hộ thiếu đất sản xuất và đất ở nằm rải rác ở các thôn, làng nên không thể tổ chức khai hoang tập trung.
Ðể có đất sản xuất, tỉnh chủ trương giao cho các địa phương vận động nhân dân tự khai hoang, Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Các gia đình tự khai hoang, sau đó báo cho chính quyền cấp xã, xã báo với Phòng Tài nguyên-Môi trường của huyện để đo đạc, cấp tiền hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ hộ.
Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân từng bước nhận thức đây là chương trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ đó tự giác đóng góp công sức để khai hoang. Làm theo cách này tuy manh mún, nhỏ lẻ và mất nhiều thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn hộ gia đình đã tự khai hoang được đất sản xuất cho gia đình mình. Nhiều hộ gia đình đã thực hiện việc vần công, đổi công, giúp nhau khai hoang đất sản xuất, đất ở.
Huyện Kon Plông có 1.172 hộ thiếu đất sản xuất, qua ba năm thực hiện chương trình, đã khai hoang được hơn 248 ha đất, bảo đảm đất sản xuất cho 100% số hộ, với tổng số tiền ủng hộ hơn một tỷ 450 triệu đồng.
Do khó khăn về quỹ đất khai hoang, huyện Ðắc Hà đã vận động các hộ gia đình cùng dòng tộc giúp nhau đất sản xuất và đất ở. Gia đình ông A Bây ở xã Ngọc Vang mặc dù còn nghèo, quỹ đất sản xuất và đất ở không nhiều, đã tự nguyện cho gia đình anh A Sỹ 200 m2 đất để làm nhà. Ông A Rí cũng đã nhường cho A Gương 200 m2 đất ở.
Chị Y Thak ở xã Ðắc La có bảy người con, chồng mất sớm, không có lao động, nhiều năm nay là hộ thiếu đất sản xuất. Lập gia đình đã gần 20 năm nay, nhưng vợ chồng chị vẫn không làm nổi một căn nhà, phải ở nhờ nhà ông ngoại. Năm 2007, gia đình Y Thak được gia đình ông A Wơn ở cùng thôn nhường lại cho năm sào đất sản xuất, lại được Nhà nước hỗ trợ nhà ở. Gặp chúng tôi, Y Thak phấn khởi: "Mình cảm ơn Ðảng, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Chương trình 134 đã cho nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Không thì chả biết đến bao giờ mới có cái nhà, chắc phải ở nhờ ông ngoại miết thôi".
Còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Tỉnh Kon Tum có dân số hơn 38 nghìn người, trong đó 53,5% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Chương trình 134 là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân nghèo từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để Kon Tum thực hiện việc xóa đói, giảm nghèo.
Nếu tính từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã khai hoang hơn 408 ha đất sản xuất, hỗ trợ cho hơn 1.500 gia đình; cấp đất ở cho gần 1.200 hộ, làm mới hơn 7.000 ngôi nhà, xây dựng 76 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ chương trình nước sinh hoạt phân tán cho 4.467 hộ gia đình. Có thể với đà phấn đấu này, đến hết năm 2008, toàn tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ gia đình theo đề án Chương trình 134.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn thiếu hơn 800 ha đất sản xuất cho hơn 1.600 hộ gia đình. Nhưng cái khó là quỹ đất để khai hoang còn ít. Không chỉ ở thị xã Kon Tum, mà ở một số huyện được coi là có quỹ đất dồi dào như Sa Thầy, Ðác Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... cũng đều trong thực trạng này. Một số nơi tìm ra quỹ đất nhưng lại xa khu dân cư, các hộ dân không chịu nhận đất. Các huyện này đã kiến nghị xin được chuyển các hộ thiếu đất còn lại sang hỗ trợ bằng cây giống, phát triển chăn nuôi, đào tạo việc làm.
Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, hiện nay bảy công ty, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh đang quản lý gần 308 nghìn ha đất lâm nghiệp; các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng cũng hơn 209 nghìn ha.
Như vậy, các công ty, nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh đang quản lý số diện tích khá lớn; bình quân diện tích đất đai trên mỗi lao động lớn gấp nhiều lần so với lao động ở địa phương, nhưng hiệu quả sử dụng đất không tương xứng. Sau khi rà soát lại, số diện tích mà các công ty, các ban quản lý rừng, lâm trường phải giao lại cho địa phương quản lý gần 51 nghìn ha, trong đó có hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, số diện tích này hiện chỉ tồn tại trên giấy, mà không bàn giao được cho địa phương nào. Nguyên nhân là do một số nông, lâm trường quốc doanh chưa đo đạc, cắm mốc nên chưa tách bạch được diện tích đất nông nghiệp, vườn rừng, đất chuyên dùng, đất thổ cư do địa phương quản lý. Không ít diện tích đất sản xuất đang bị những hộ dân và cả cán bộ lâm, nông trường lấn chiếm, sang nhượng một cách tùy tiện mà chính quyền địa phương chưa thể quản lý được.
Vấn đề đặt ra một cách thúc bách, chính quyền tỉnh Kon Tum cần giải quyết dứt điểm tình trạng đất thừa hoặc đất sản xuất bỏ không, để thực hiện có hiệu quả việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo trên địa bàn, cũng như việc đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh theo chủ trương của Chính phủ.