Ngày 22-8, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh tiếp nhận và cấp cứu thành công người đàn ông ăn lá ngón tự tử. Được biết trước khi vào viện người bệnh được phát hiện uống paracetamol (không rõ số lượng) và ăn lá ngón tự tử.
Theo BSCKI Hoàng Thăng Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội cho biết, người bệnh đến viện trong tình trạng bất tỉnh, thở ngáp cá, da xanh tái, tím môi và đầu chi, tim nhịp nhanh, tình trạng bệnh tiên lượng rất nặng.
Ngay lập tức người bệnh được hồi sức cấp cứu: hô hấp tuần hoàn, tiến hành rửa dạ dày loại trừ độc chất, truyền dịch và điều trị giải độc tích cực. Sau một ngày điều trị người bệnh đã hồi phục, tỉnh táo và sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng người bệnh ngộ độc lá ngón gồm đau bụng, buồn nôn, khó chịu, yếu mệt, cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn; Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật. Nạn nhân tử vong có nguyên nhân do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
"Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới một giờ. Vì vậy người bệnh cần được phát hiện sớm để tiến hành sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời. Người bệnh thường chết sau 1-7 giờ ngộ độc. Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp gây nôn. Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch, điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong", BS Vân cho hay.