Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chủ trì Hội nghị, có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị. |
Giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Cần xác định việc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh". Đây cũng chính là một trong 3 quan điểm quan trọng tại Nghị quyết số 31-NQ/TW. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước; vì vậy, các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương khác trong cả nước cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 so năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ...
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 đến 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Thành phố Hồ Chí Minh phải khắc phục, tháo gỡ toàn bộ các điểm nghẽn nhằm định hình khuôn khổ chính sách thông suốt, có hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của Thành phố; giải phóng chính sách, giải phóng năng lực, tư duy trong việc triển khai xây dựng, thực hiện các cơ chế chính sách, đặc thù phát triển Thành phố là nhiệm vụ cần làm ngay.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thành phố, trong đó, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh...
Tại Hội nghị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt Chương trình Hành động của Thành ủy triển khai Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị cũng nghe tham luận của các đại biểu Trung ương, đại biểu các tỉnh, thành phố. Các ý kiến đều biểu thị quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định những năm qua, Bộ Chính trị luôn quan tâm, có nhiều Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh phải chủ động phối hợp các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước, nhất là các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Đảng bộ Thành phố cần tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng; chọn việc, chọn điểm làm rõ và nhân rộng; kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư lưu ý, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31 phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu Đảng bộ Thành phố tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố. Đây là nội dung then chốt, bảo đảm các cấp ủy, tổ chức đảng toàn Thành phố thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện.
“Thành phố cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thành phố”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.