Mới giải ngân hơn 728 tỷ đồng cho khoảng 1 triệu lao động
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg) tới ngày 11/8 cho thấy, số hồ sơ đã được giải ngân là 1.004.472 lao động tại 16.436 doanh nghiệp. Kinh phí đã chi cho người lao động là hơn 728,5 tỷ đồng, đạt 11,23% so với dự kiến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Tiến độ giải ngân gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động rất chậm" (Ảnh: Mạnh Đức). |
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, tiến độ giải ngân gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhóm đối tượng này. Việc này ảnh hưởng tới đời sống của người lao động, quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về nguồn lực, ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, ngày 15/7, Bộ Tài chính đã có thông báo việc bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện chính sách. Tới ngày 17/7, tỉnh cuối cùng đã nhận được kinh phí từ ngân sách trung ương cấp. Như vậy, ngày 15/8 chỉ là thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Tới ngày 30/8, phải hoàn thành việc giải ngân cho người lao động.
60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ. Cụ thể:
- Số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận: 56.351 doanh nghiệp với 2.844.944 lao động. Kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883,8 tỷ đồng (tương đương 29,03 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).
- Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ: 29.399 doanh nghiệp, 1.927.252 lao động với kinh phí hơn 1.233,8 tỷ đồng (tương đương với 65,5 % so với số kinh phí đề nghị).
- 2 tỉnh không có đối tượng thuộc diện hỗ trợ: Lai Châu, Điện Biên. Cao Bằng không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Tại một số địa phương, dự kiến số lượng người lao động được thụ hưởng chính sách ban đầu cao hơn thực tế, nên tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần hết đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao, thí dụ như các tỉnh Đồng Nai, Hải Dương, Đắk Nông,…
Đến thời điểm hiện tại, 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân. Cụ thể là: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là: Bình Dương; Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Giang; Long An, Hà Nội.
Một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang, Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Định. Và còn rất nhiều tỉnh tỷ lệ giải ngân trên dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa….
Đặc biệt, một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…
Đã xác nhận hồ sơ cho hơn 3,9 triệu lao động
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này đã xác nhận hồ sơ cho khoảng 3,9 triệu lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022.
Cụ thể, việc xác nhận hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp phát sinh tại 60 tỉnh, thành phố, với 46.480 đơn vị với 3.661.045 lao động. Trong đó, có 3.657.615 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 3.430 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Cùng với đó, xác nhận hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 51 tỉnh, thành phố. Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận cho 13.847 đơn vị với 252.727 lao động. Trong số này, có 246.479 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 6.248 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc/mới được tuyển dụng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, so với khoảng 3,4 triệu lao động dự kiến được hỗ trợ từ gói chính sách 6.600 tỷ đồng này, cơ quan bảo hiểm xã hội đã cơ bản hoàn thành xác nhận hồ sơ cho người lao động. Hiện số hồ sơ này chuyển sang cơ quan cấp huyện thẩm định và phê duyệt.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp tiền thuê nhà cho người lao động.
Trước hết, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,… Điều này làm kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.
Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần. Do vậy, đến tháng 7, hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện chính sách, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt và kịp thời chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Qua đó, bảo đảm hoàn thành chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà trong tháng 8 năm nay.