Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Theo đánh giá tại phiên họp, trong 8 tháng đầu năm 2022, các địa phương trong cả nước tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… nên các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phục hồi tích cực, đặc biệt là các ngành công nghiệp, dịch vụ… tăng so với cùng kỳ năm trước.
Các địa phương đã khẩn trương triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước, các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là những giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương.
Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết, kinh tế hợp tác với nhiều hình thức, quy mô gắn với chế biến tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới cơ bản ổn định, không phát sinh vụ việc nổi cộm, điểm nóng. Các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoạt động bình thường, đúng pháp luật. Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, ổn định…
Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc còn phối hợp UBND và các ngành chức năng các tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc xây dựng các đề án, chính sách dân tộc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đẩy mạnh, tỷ lệ tiêm vaccine đạt cao, góp phần bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Các chính sách, đề án như chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số… cũng được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn ban hành các chính sách đặc thù riêng. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn, buôn, bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số… nhằm hỗ trợ tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc trên địa bàn…
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng: Tăng trưởng kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp; đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa kịp thời; việc áp dụng chính sách đối với các xã, khu vực thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 còn nhiều bất cập.
Công tác tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi vẫn còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn…
Trên cơ sở đó, tại phiên họp các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm ổn định đời sống, phát triển kinh tế-xã hội trong 4 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về những giải pháp thực hiện chương trình trong thời gian tới bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Tại phiên họp lần này, đại diện lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin về tình hình an ninh, trật tự, công tác bảo vệ biên giới vùng Tây Nguyên; đồng thời các đại biểu còn tham gia ý kiến thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận, góp ý kiến về định hướng xây dựng Đề cương giám sát tối cao của Quốc hội về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tham gia ý kiến Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc… để trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới. Phiên họp sẽ bế mạc vào chiều 26/8.