Thủ tướng Phạm Minh Chính

Kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, khởi sắc, tích cực

NDO -

Sáng 2/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ cuối năm, chuẩn bị cho đầu năm và cả năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng, khởi sắc, tích cực. Chúng ta cũng đang tích cực xây dựng đề án thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; đề án phục hồi và kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình có những diễn biến đột xuất, như: mưa lũ lớn tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tương đối phức tạp.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn tới những gia đình có thân nhân bị nạn trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các đại phương đang phải gánh chịu. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 1659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương này.

Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ cuối năm, chuẩn bị cho đầu năm và cả năm 2022. Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ để thảo luận chất lượng, đi thẳng vào những vấn đề quan trọng.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 -0
Quang cảnh phiên họp.

* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so tháng trước cả về số lượng (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so tháng trước. Kết quả cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.

Trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so tháng 10/2021; so cùng kỳ năm 2020, giảm 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 47,4% về số vốn đăng ký và giảm 36% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so tháng trước và giảm 42,1% so cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 4.958 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so tháng trước và giảm 6,7% so cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.219,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,8 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 3.673,6 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so cùng kỳ năm trước.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước; kinh tế-xã hội phát triển tích cực theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất nhập khẩu tăng trở lại, xuất siêu trở lại; năng lượng ổn định; lương thực, thực phẩm được bảo đảm, phát triển; thị trường lao động từng bước được phục hồi nhanh.

Những việc tồn đọng được giải quyết, như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông; 5 dự án thua lỗ được xử lý và có tín hiệu tích cực. An sinh xã hội, văn hóa, an ninh-quốc phòng, đối ngoại được bảo đảm; làm tốt công tác xây dựng Đảng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như diễn biến dịch bệnh còn phức tạp do chủng mới Omicron; số ca nhiễm và tử vong có xu hướng tăng. Vì vậy, chúng ta cần tập trung phân tích đánh giá, tìm nguyên nhân. Cần hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác vì đã có vaccine, thuốc điều trị. Kinh tế-xã hội còn tiềm ẩn lạm phát, nợ xấu, an ninh kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công; rủi ro về chứng khoán, bất động sản; công tác quy hoạch; an ninh-quốc phòng còn nhiều thách thức.

Thủ tướng chỉ rõ, đạt được những thành tựu về kinh tế-xã hội thời gian qua là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sự lãnh đạo này là liên tục, bám sát tình hình để đưa ra đường lối, chủ trương và Chính phủ nghiêm túc thực hiện các lãnh đạo, chỉ đạo này; đó còn  là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là với dịch bệnh, như: không thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hay cho rằng tiêm vaccine rồi không lo nhiễm bệnh...; sự điều hành của một số cấp chính quyền vẫn là khâu yếu. Biện pháp, công thức chống dịch đã rõ, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện không ổn. Do đó, phải tiếp tục tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác này.

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải nắm chắc, dự báo tốt tình hình, bám sát thực tiễn hơn. Kiên trì thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 128, thấy rõ, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế-xã hội khởi sắc, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế rất cao. Chúng ta cần phát huy những điểm tích cực này.

Thủ tướng đề nghị phải tập trung tiêm vaccine, có kế hoạch bảo đảm đến giữa tháng 12 thì cơ bản số người 18 tuổi trở lên phải được tiêm 2 mũi. Chúng ta đang tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên; rồi tiến tới tiêm mũi 3. Do đó, Bộ Y tế phải rà soát, có kế hoạch, khắc phục các hạn chế, bất cập, sự cố xảy ra; làm tốt công tác truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Vaccine là vấn đề rất quyết định trong phòng chống dịch, do đó việc tiêm phòng phải được lên kế hoạch rất cụ thể, chi tiết. Đối với trẻ em, phải tập trung tiêm để các cháu sớm trở lại trường học; rà soát lại việc tiêm, bảo quản vaccine, thanh kiểm tra lại các công việc để khắc phục các sự cố.

Trong lúc này càng phải tăng cường ý thức của người dân hơn nữa vì người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Người dân phải thực hiện 5K, uống thuốc, tiêm vaccine... Phải bảo đảm thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và thúc đẩy nhập khẩu vaccine; bảo đảm tiêm an toàn, hiệu quả, khoa học, hợp lý trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Chúng ta phải tuyên truyền cho thật tốt; có kiểm soát được dịch bệnh mới có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Hoàn thiện các thể chế, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới đây. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung bảo đảm an sinh xã hội, lo cho người nghèo, người yếu thế bị tác động của dịch Covid-19; chuẩn bị bảo đảm chăm lo Tết cho người dân. Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động nhằm làm bất ổn tình hình.  

Liên quan chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ đại các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành trong tuần này để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội.

Về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bám sát các quan điểm chỉ đạo hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tìm ra động lực phát triển mới, ưu tiên hoàn thiện thể chế; tập trung cho chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu; giữ môi trường hòa bình, ổn định để thu hút đầu tư; đẩy mạnh đối ngoại; nâng cao chất lượng và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện, xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…