Kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng 2 tháng đầu năm

NDO - Với hiệu quả của nhiều chính sách vĩ mô cũng như hiệu ứng tích cực từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kinh tế Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng trong xu thế ổn định, điều này được thể hiện qua nhiều chỉ số tăng ở mức 2 con số.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất van điều tiết đường ống dẫn khí của một doanh nghiệp ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Hồ Quân)
Dây chuyền sản xuất van điều tiết đường ống dẫn khí của một doanh nghiệp ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Hồ Quân)

Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 18/3, tại buổi họp báo công bố thông tin về tình hình kinh tế tháng 1 và 2/2024, bà Liu Aihua, người phát ngôn báo chí của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc cho biết, do nhiều chính sách vĩ mô đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cộng với hiệu ứng từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nên 2 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu sản xuất tăng, động lực và chất lượng phát triển tiếp tục phục hồi và được cải thiện, nền kinh tế dần ổn định và tăng trưởng.

Về sản xuất, trong 2 tháng đầu năm, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp và ngành chế tạo công nghệ cao tăng 7% và 7,5% so cùng kỳ năm 2023; đầu tư vào ngành công nghệ cao và đầu tư nâng cấp công nghệ của ngành chế tạo cũng tăng 9,4% và 15,1% so với năm ngoái.

Về tiêu dùng, tính đến hết tháng 2/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,5% và 12,3% so cùng kỳ năm 2023; doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trở lại, theo đó CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước, nhưng so cùng kỳ năm 2023 đã chuyển từ giảm 0,8% lên tăng 0,7%.

Đáng chú ý, xuất nhập khẩu thương mại tăng trưởng tương đối nhanh, theo đó 2 tháng đầu năm tổng kim ngạch thương mại tăng 8,7% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, đạt 10,3%.

Theo số liệu thống kê, thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và chuyển đổi, đầu tư cho dự án bất động sản giảm 9% so cùng kỳ năm 2023; giao dịch nhà ở thương mại xây mới lần lượt giảm 20,5% và 29,3% về diện tích sàn và giá trị giao dịch.

Bà Liu Aihua nhấn mạnh, tuy nền kinh tế tăng trưởng trong xu thế ổn định, nhưng đang ở vào giai đoạn quan trọng để phục hồi và tăng trưởng, vẫn phải đối mặt với các vấn đề như nhiều nhân tố bất ổn tác động từ bên ngoài, nhu cầu trong nước còn yếu, do vậy cần phải củng cố các nền tảng động lực của nền kinh tế.

Công nghiệp là hòn đá tảng của phát triển kinh tế. Mặc dù các chính sách hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng một số doanh nghiệp ngành công nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực kinh doanh khi lượng đơn hàng chưa nhiều, giá thành sản xuất tăng…

Tiêu dùng là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường tiêu dùng duy trì đà phục hồi, tiềm năng tiêu dùng dịch vụ được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên cần phải củng cố các động lực thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao khả năng chi tiêu và niềm tin của tiêu dùng.

Nhìn chung, hiện tại vấn đề phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn là bài toán tăng trưởng. Môi trường để Trung Quốc phát triển vẫn luôn đan xen thời cơ chiến lược và thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Tuy vậy, nhân tố thuận lợi vẫn nhiều hơn yếu tố bất lợi, việc các hoạt động kinh tế sôi động và tăng trưởng trở lại, sẽ tạo nền tảng cho kinh tế tăng trưởng nhanh trong năm nay.