Nhìn lại năm 2023

Kinh tế Trung Quốc phục hồi sau một năm mở cửa

Năm 2023 chứng kiến quá trình điều chỉnh chính sách từ hạ cấp phòng dịch, nới lỏng hạn chế đến mở cửa hoàn toàn ở Trung Quốc. Cùng với đó, với nhiều giải pháp kích cầu và tạo động lực mới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dần lấy lại đà phục hồi ổn định, tăng trưởng tích cực, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Hội chợ ASEAN-Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Hội chợ ASEAN-Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.

Từ nới lỏng đến mở cửa hoàn toàn

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tháng 1/2020, đến cuối năm 2022, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia luôn kiên trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cả ở trong nước và với nước ngoài theo chính sách “Zero Covid”.

Trong suốt gần ba năm, nước này đã áp dụng các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm loại A - cấp cao nhất nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, bao gồm cách ly xã hội những khu vực bùng phát dịch, cách ly y tế người nhiễm và người tiếp xúc gần, áp dụng mã hành trình và mã sức khỏe để kiểm soát lây lan, khoanh vùng, truy vết nguồn bệnh; hạn chế các chuyến bay, trao đổi với nước ngoài, cách ly người nhập cảnh…

Theo đánh giá của Chính phủ Trung Quốc, các biện pháp nêu trên đã góp phần thực hiện đồng bộ hai mục tiêu là phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội: số ca nhiễm Covid-19, nhất là các ca biến chứng nặng, tử vong trong các đợt lây nhiễm do các biến chủng được kiểm soát tốt, tỷ lệ tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới; tình hình kinh tế-xã hội vận hành cơ bản ổn định.

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, như biến thể chính của Covid-19 là Omicron có tỷ lệ gây bệnh thấp, tỷ lệ không triệu chứng cao, có xu hướng trở thành một dạng lây nhiễm đường hô hấp với thời gian ủ bệnh ngắn, có thể coi là một loại bệnh thường gặp; đồng thời, Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là đạt tỷ lệ phổ cập vắc-xin cao trong xã hội, Chính phủ Trung Quốc quyết định hạ cấp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B từ ngày 8/1/2023.

Theo đó, Trung Quốc không cách ly người nhiễm Covid-19, không xác định người tiếp xúc gần, không phân loại các vùng có nguy cơ, thực hiện phân cấp, phân loại điều trị người nhiễm Covid-19, dừng xét nghiệm đại trà, hủy bỏ các biện pháp quản lý bệnh truyền nhiễm trong kiểm dịch đối với người và hàng hóa nhập cảnh.

Thay đổi lớn nhất là Trung Quốc gần như hủy bỏ toàn bộ các hạn chế đối với người nhập cảnh vào nước này, ngoài yêu cầu xét nghiệm trước khi khởi hành và xuất trình mã khai báo y tế; đánh dấu việc mở cửa trở lại với thế giới sau gần ba năm áp dụng chính sách kiểm soát khắt khe đối với việc đi lại xuyên biên giới.

Trung Quốc cũng hủy bỏ các biện pháp kiểm soát và hạn chế số lượng các chuyến bay chở khách quốc tế, cũng như yêu cầu giãn cách chỗ ngồi trên máy bay; tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp tạo thuận lợi về thị thực cho người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc, đầu tư, kinh doanh, học tập, thăm thân, đoàn tụ...; từng bước khôi phục việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy.

Tiếp theo đó, từ ngày 29/4, người nhập cảnh Trung Quốc có thể thay thế xét nghiệm axit nucleic bằng xét nghiệm kháng nguyên trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh và các hãng hàng không không kiểm tra chứng nhận xét nghiệm trước khi lên máy bay. Từ ngày 30/8, người nhập cảnh Trung Quốc không cần làm bất kỳ xét nghiệm nào trước khi khởi hành.

Từ ngày 1/11, Trung Quốc hủy bỏ yêu cầu khai báo y tế khi xuất, nhập cảnh. Từ tháng 1 đến tháng 8/2023, Trung Quốc lần lượt công bố ba đợt danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc phạm vi cho phép các hãng du lịch và doanh nghiệp lữ hành trực tuyến trong nước khôi phục kinh doanh du lịch theo đoàn ra nước ngoài và các dịch vụ “vé máy bay + khách sạn” kèm theo.

Sau gần một năm, kể từ khi hạ cấp phòng dịch, nới lỏng hạn chế, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn ở cả trong nước và với nước ngoài, tạo tiền đề quan trọng để khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước và giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế.

Phục hồi trong bối cảnh khó khăn

Mở cửa trở lại sau ba năm kiên trì chính sách Zero Covid-19 với nhiều tác động đến đời sống kinh tế-xã hội, lại chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế biến động phức tạp, nhất là cọ xát với Mỹ, Trung Quốc đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện 33 giải pháp thuộc sáu lĩnh vực: tài chính, tiền tệ-ngân hàng, đầu tư-tiêu dùng, an ninh lương thực, ổn định chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là các chính sách giảm tiền điện, nước, cước phí internet, tiền thuê nhà; hoàn thuế giá trị gia tăng, hoãn nộp tiền bảo hiểm xã hội; hoãn trả gốc và lãi, tăng cho vay mới hướng tới doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các ngành nghề trọng điểm chịu ảnh hưởng nặng nề trong dịch bệnh; khuyến khích cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn.

Đặc biệt, nhóm giải pháp còn nhấn mạnh “mở luồng xanh” để đẩy nhanh các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các dự án mới, giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

Ngoài chính sách chung áp dụng trên cả nước, các địa phương cũng căn cứ tình hình cụ thể để ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực hướng tới các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là kích thích tiêu dùng và khuyến khích du lịch nội địa.

Số liệu của Tổng cục Thuế Trung Quốc cho thấy, 10 tháng đầu năm, tổng số tiền miễn giảm thuế, phí, hoàn thuế và gia hạn nộp phí đạt 1.660,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 232,6 tỷ USD).

Việc gia hạn, tối ưu hóa và hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế đã góp phần gia tăng niềm tin của doanh nghiệp, kích thích động lực cho thị trường.

Trong đó, các chủ thể kinh tế tư nhân là đối tượng hưởng lợi chính, chiếm tỷ trọng gần 75% trong giá trị ưu đãi, các ngành chế tạo và tiêu thụ các sản phẩm của ngành chế tạo là ngành được ưu đãi lớn nhất, tạo ra hiệu quả rõ nét nhất.

Nếu như trong ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020-2022), kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5%, thì trong năm 2023, nhiều chỉ số phát triển kinh tế-xã hội đạt mức khả quan hơn. Cụ thể, ba quý đầu năm 2023, GDP đạt 91.302,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.278,7 tỷ USD), tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, phần lớn các ngành kinh tế đều có mức tăng cao hơn năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, ngành chế tạo máy móc, thiết bị tăng trưởng 6%, các ngành công nghiệp mới như pin năng lượng mặt trời, trụ sạc điện, ô-tô năng lượng mới lần lượt tăng 63,2%, 34,2% và 26,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội tăng 6,8%, riêng bán lẻ hàng hóa qua thương mại điện tử tăng 8,9%. Tổng vốn đầu tư cố định tăng 3,1%; trong đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng và ngành chế tạo đều tăng trên 6%; đầu tư cho các ngành công nghệ cao tăng 11,4%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa ổn định, cơ cấu thương mại hoàn thiện hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%; tình hình việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 5,9% sau khi loại trừ yếu tố giá.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm, có 41.947 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới, tăng 32,1%; số vốn đầu tư sử dụng trên thực tế đạt 987 tỷ nhân dân tệ, giảm 9,4% so cùng kỳ năm 2022. Nhiều nước phát triển đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc, như Canada, Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan, với mức tăng trưởng vốn đầu tư từ 30% đến 110%.

Năm 2023 cũng chứng kiến hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại-đầu tư quy mô lớn được tổ chức trực tiếp trở lại sau ba năm đại dịch Covid-19 như Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, Hội chợ hàng tiêu dùng quốc tế Trung Quốc, Hội chợ ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh về thương mại-đầu tư ASEAN-Trung Quốc…, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế tìm hiểu cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối đầu tư, với hàng loạt hợp đồng, thỏa thuận được ký kết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bức tranh kinh tế Trung Quốc năm 2023, tiêu dùng trong nước trở thành động lực chính của tăng trưởng, với đóng góp 83,2%, tương đương 4,4% tổng mức tăng trưởng.

Điều này có được là nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm kích cầu tiêu dùng và khai thác thế mạnh của thị trường trong nước, với dân số 1,4 tỷ người và hơn 300 triệu gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có khả năng chi tiêu lớn.

Ông Pan Gongsheng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững, chất lượng cao với trọng tâm là điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tạo các điểm tăng trưởng mới, dự báo trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, nhờ khả năng đổi mới sáng tạo, thị trường rộng lớn, hạ tầng, chuỗi ngành nghề hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào, nhất là hiệu quả chính sách kích cầu từ giữa năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng lành mạnh và bền vững hơn.

Các tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 5,4%, tiếp tục dẫn đầu các nền kinh tế lớn trên thế giới. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,3% trong quý 4 và 5,2% cả năm 2023, đạt mục tiêu đề ra.

Đây là tiền đề quan trọng để Trung Quốc khắc phục những khó khăn trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bất động sản…, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, chất lượng cao thời gian tới.