Kinh tế Thủ đô tăng tốc

Nhờ kiểm soát dịch Covid-19 và mở cửa bình thường các hoạt động, kinh tế Thủ đô Hà Nội trong quý I/2022 đã đạt những kết quả tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố tăng tốc, phục hồi kinh tế-xã hội mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Quý I năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt 324 nghìn lượt, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Du khách tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: NGỌC CHÂU)
Quý I năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt 324 nghìn lượt, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Du khách tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: NGỌC CHÂU)

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế quý I/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thành phố đã nỗ lực, thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội mạnh mẽ, hiệu quả. Thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, vào cuộc ngay từ những ngày đầu năm, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả rõ nét, toàn diện và quan trọng là theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

GRDP cao hơn bình quân cả nước

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn Thủ đô (GRDP) quý I/2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,16 lần cả nước và đạt kịch bản tăng trưởng thành phố đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương là 14.776 tỷ đồng, đạt 13,8% dự toán, tăng 17,6%, trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.111 tỷ đồng, đạt 8% dự toán, tăng 26,7%...

Nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế cũng có những kết quả tích cực so cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,1%; tổng vốn đầu tư phát triển 76.260 tỷ đồng, tăng 7,8%; vốn FDI thu hút 575 triệu USD, trong đó đăng ký mới 64 dự án và 28 dự án bổ sung vốn đầu tư 209,3 triệu USD… Thành phố có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95 nghìn tỷ đồng (tăng 2% về số doanh nghiệp và tăng 4% về số vốn), 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2%).

Ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở thành phố đã xây dựng, triển khai các phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,1%  so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,4%; Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,3%; sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cây trồng phát triển tốt, chăn nuôi ổn định… Hà Nội mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới, tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Quý I, tổng khách du lịch đến Thủ đô đã đạt 324 nghìn lượt người, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về công tác quy hoạch, quản lý đô thị, trong quý I, thành phố đã trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc... An sinh xã hội được bảo đảm, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động, tăng 29,2%; hỗ trợ hơn 2,31 triệu đối tượng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo nghị quyết của Chính phủ với kinh phí hơn 2.353 tỷ đồng. 

Tăng tốc phát triển  

Tháng 4 và quý II/2022, thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong quý I, thực hiện các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm; đồng thời, bám sát diễn biến thế giới để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7 đến 7,5%, bảo đảm cân đối thu-chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, thành phố vẫn đang còn nhiều khó khăn, như chỉ số giá tiêu dùng ở Thủ đô tăng khá cao, cần có giải pháp cụ thể, lâu dài để kiềm chế. Bên cạnh đó, hết tháng 3/2022, tỷ lệ giải ngân của thành phố mới đạt 8,62%; trong khi cả nước đạt 9%, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân hơn 25%. Do đó các đơn vị cần nỗ lực phấn đấu để đạt tỷ lệ giải ngân 16% ngay trong tháng 4/2022. 

Để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu tất cả cấp, ngành, đơn vị tranh thủ tốt nhất điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho SEA Games 31; thúc đẩy phục hồi kinh tế, gắn với cải cách hành chính mà trọng tâm là Đề án 06 của Chính phủ với 25 dịch vụ công thiết yếu sẽ được triển khai trực tuyến để phục vụ nhân dân; đồng thời, khắc phục triệt để các hạn chế trong quý I, đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển trong quý II, quý III để bảo đảm mục tiêu về đích trong quý IV.

Thành phố cũng quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động...; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường lưu thông kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới.