Kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng mạnh

Mười tháng năm 2022, kinh tế Thủ đô Hà Nội đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. (Trong ảnh: Hội chợ ENTECH Hanoi 2022).
Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. (Trong ảnh: Hội chợ ENTECH Hanoi 2022).

Tháng 10 vừa qua, một số dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã được khánh thành và khởi công. Trong đó, dự án hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng đã “về đích” sau hai năm thi công, cải thiện giao thông khu vực. Các dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội… đã được khởi công nhằm từng bước thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Từ đầu năm 2022 đến nay, vốn đầu tư đã thực hiện được 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 71,4% kế hoạch năm 2022.

Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhiều dự án lớn, dự án công nghệ cao đã được ký kết. Mới đây, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) và Công ty Julie Sandlau (Đan Mạch) - nhà sản xuất trang sức hàng đầu thế giới, đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc tư vấn, triển khai Nhà máy thông minh sản xuất trang sức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).

Nhà máy dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023, mục tiêu trở thành nhà sản xuất trang sức đầu tiên trên thế giới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và công nghệ số… vào quy trình sản xuất. Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội cũng đang thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư. Trong đó, Công ty Onaga đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhà máy sản xuất linh kiện công nghệ cao cho các ngành hàng không, vũ trụ, ô-tô, chế biến, chế tạo công nghệ mới… Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã thu hút thêm 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội cũng có thêm 24.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngay từ đầu năm 2022, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai nghiêm túc các giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022…

Nhờ đó, các lĩnh vực tiếp tục có sự tăng trưởng so với các tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn mười tháng đầu năm 2022 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành trọng điểm như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất đồ uống, chế biến gỗ, sản xuất giấy, sản xuất phương tiện vận tải… đã có mức tăng cao, từ 12,6% đến gần 20%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mười tháng qua tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 567.500 tỷ đồng, tăng 28,8%. Khách du lịch quốc tế và nội địa đến thành phố đạt 1.935 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước mười tháng ước thực hiện được 294,8 nghìn tỷ đồng, đạt 94,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong hai tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đôn đốc tiến độ công trình trọng điểm, công trình thiết yếu, nhất là dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm tăng cường kết nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn, dự án xử lý rác thải..., phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.