Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ

Ngay từ đầu năm 2022, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, sau sáu tháng, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ với nhiều con số ấn tượng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất sản phẩm gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse, cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Sản xuất sản phẩm gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse, cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. (Ảnh ĐĂNG DUY)

Từ khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động sản xuất trong các nhà máy, phân xưởng đã quay trở lại nhịp điệu hối hả. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…, hàng hóa dồi dào, sức tiêu thụ mạnh. Du lịch mở cửa trở lại khiến những khu phố nhà hàng, khách sạn tấp nập, đông vui hơn.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố ước tính tăng 7,79% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng GRDP này cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, đã thể hiện rõ nét xu hướng phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Trong đó, GRDP quý II tăng tới 9,49% nhờ thành phố mở cửa trở lại các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, tập trung đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế…

Cụ thể, khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm ước tính tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2021 (quý I tăng 6,4%; quý II tăng 11,68%), đóng góp 5,91 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp - xây dựng dù phải chịu tác động tiêu cực từ việc giá xăng, dầu và giá nguyên vật liệu đầu vào, nhưng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, lĩnh vực này tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố sáu tháng qua đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% và gấp gần bốn lần mức tăng cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã thu hút 767,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố cũng có thêm gần 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 14%, vốn đăng ký đạt 184,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, 6.600 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội sáu tháng qua đã đạt 234 nghìn lượt, tăng 232%; khách trong nước đạt 665 nghìn lượt, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 180,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%. Đáng chú ý, cân đối thu-chi ngân sách của thành phố được bảo đảm.

Thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô 6 tháng đầu năm là 179.476 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thu ngân sách nhà nước tiếp tục được cơ cấu theo hướng ổn định, bền vững với việc nâng dần tỷ trọng thu từ thuế phí và giảm dần các khoản thu từ đất.

Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục liên quan đến các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) giảm bậc xếp hạng; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố sáu tháng đầu năm thấp hơn so với yêu cầu, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước...

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế sáu tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ; bảo đảm các hoạt động kinh tế-xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19... Trong đó, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu và xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kịp thời tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm kích cầu đầu tư…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố cũng sẽ tập trung kiểm soát giá cả, thị trường; bám sát động thái chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, chủ động dự báo biến động của thị trường để có giải pháp thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, nhất là cân đối về xăng, dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc thực hiện đầy đủ các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... Đây sẽ là những giải pháp quan trọng nhằm giúp Thủ đô Hà Nội hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.