Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ lực, quan trọng, then chốt trong nền kinh tế quốc gia.
Thông qua kinh tế nhà nước, nhà nước vừa trực tiếp “làm kinh tế”, vừa điều hành, quản lý, kiểm soát sự phát triển và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước mà các thành phần kinh tế khác không thể có được, càng không thể thay thế được.
Theo thời gian, tỷ trọng của các doanh nghiệp nhà nước và của phần vốn, cổ phần của nhà nước trong các doanh nghiệp tại nhiều nước, đặc biệt các nước công nghiệp phát triển có giảm. Quá trình này được gọi là tư nhân hóa nền kinh tế...
Có quan điểm cho rằng, nhà nước chỉ nên duy trì những doanh nghiệp hoạt động trên những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thiết yếu cho người dân và xã hội, nhưng tư nhân không muốn làm hay không thể làm được...
Dù quan điểm, việc triển khai trong thực tiễn diễn ra như thế nào, kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia.
Tháng 9/2024, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố khoản cho vay trị giá 350 triệu euro nhằm giúp nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng Deutsche Glasfaser (Đức) mở rộng mạng lưới internet tốc độ cao, phục vụ gần nửa triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại các vùng nông thôn nước này.
Đây chỉ là một trong nhiều dự án mà Liên minh châu Âu (EU) đã và đang triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở những vùng ít dân cư, nơi chi phí đầu tư và rủi ro thường cao, không hấp dẫn các nhà cung cấp dịch vụ, qua đó góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đã được xác định trong chương trình “Thập niên số” của khu vực...
Thực tế, kỷ nguyên số buộc mọi thành phần kinh tế phải chuyển đổi kịp thời, triệt để và sâu rộng. Thành phần kinh tế nhà nước không phải là ngoại lệ.
Thực tiễn ở các nơi trên thế giới đến nay cho thấy, kỷ nguyên số không chỉ buộc thành phần kinh tế nhà nước phải chuyển đổi, mà còn giúp thành phần kinh tế đặc biệt này gia tăng được vai trò.
Chuyên đề “Kinh tế nhà nước trong kỷ nguyên số”, gồm 15 bài, với cơ cấu như các số thường lệ, bao gồm các chuyên mục: Hồ sơ (5 phần), Vấn đề và Bình luận (5 bài) và Bên lề sự kiện (5 bài).
Chuyên mục Hồ sơ gồm các phần cụ thể là: Nhận diện kỷ nguyên số; Kinh tế nhà nước trong kỷ nguyên số; Khẳng định vai trò trong kỷ nguyên số; Chiến lược và hành động của một số khu vực, quốc gia trong kỷ nguyên số và Việt Nam: Tận dụng thời cơ để phát triển.
Chuyên mục Vấn đề và Bình luận gồm các bài: Một số vấn đề về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững; Cần thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt; Phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước; Chuyển đổi để gia tăng vai trò của kinh tế nhà nước; Chuyển đổi số và vai trò đầu tàu của kinh tế nhà nước.
Chuyên mục Bên lề sự kiện gồm các bài: Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành hàng không: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong kỷ nguyên mới; Chương trình Bông Sen Vàng: Hành trình số hóa cải tiến đầy cống hiến; Ngành than và Quảng Ninh như hình với bóng; Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và bài toán chuyển đổi số.
Bên cạnh những thông tin liên quan đến chủ đề “Kinh tế nhà nước trong kỷ nguyên số”, chuyên san Hồ sơ sự kiện vẫn bám sát dòng thời sự chủ lưu trong nước và quốc tế, với các bài viết thuộc các chuyên mục: Kinh tế và Hội nhập, Phóng sự-Ghi chép, Cửa sổ nhìn ra thế giới, Tư liệu-Giải mật, Văn hóa-Xã hội, Chuyện xưa-Ngẫm nay.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hồ sơ sự kiện