Kinh tế Bình Dương tăng trưởng tích cực

Trong năm tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế Bình Dương đạt kết quả tích cực với nhiều chỉ số chủ yếu tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2023. Với hạ tầng được chú trọng đầu tư đồng bộ, các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương thu hút hơn 525 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ trong năm tháng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất động cơ điện tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bonfiglioli (vốn đầu tư Italia) ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thành phố Bến Cát.
Sản xuất động cơ điện tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bonfiglioli (vốn đầu tư Italia) ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thành phố Bến Cát.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, trong điều kiện khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều nhưng tỉnh đã tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, thị trường bất động sản, thành lập các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa… Nhờ vậy, tình hình kinh tế trong năm tháng đầu năm đạt nhiều kết quả khả quan với các chỉ số chủ yếu đều tăng trưởng khá như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,68% so với cùng kỳ năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 137.634 tỷ đồng, tăng 13,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,8 tỷ USD và tăng 13,9%, xuất siêu đạt 4,4 tỷ USD; thu mới ngân sách đạt 30.813 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023...

Ở lĩnh vực thu hút đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cùng các ngành, các chủ đầu tư khu công nghiệp đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chương trình tiếp thị, xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức phù hợp. Nhờ vậy, trong năm tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương thu hút thêm 589 triệu USD vốn FDI. Kết quả này nâng nguồn vốn FDI tại tỉnh Bình Dương hiện nay lên 4.306 dự án với tổng vốn đầu tư 40,7 tỷ USD. Cùng thời gian này, tỉnh Bình Dương thu hút 27.553 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng số doanh nghiệp trong nước hiện nay lên 68.573 với tổng vốn đăng ký 754 nghìn tỷ đồng.

Ở lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, đến nay tỉnh Bình Dương đã hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định quốc gia. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh Bình Dương đang đôn đốc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, như: Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cảng cạn An Điền…

Nổi bật với hạ tầng các khu công nghiệp được đánh giá đứng hàng đầu cả nước về chất lượng cũng như kết nối liên thông thuận lợi, trong năm tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp tại Bình Dương thu hút hơn 525 triệu USD vốn FDI, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng thời gian này, các khu công nghiệp thu hút gần 1.059 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước. Tính đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương thu hút 3.135 dự án còn hiệu lực, trong đó có 2.453 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký hơn 29,74 tỷ USD và 682 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 94.855 tỷ đồng.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Trương Văn Phong cho biết, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, tỉnh có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.963 ha, chiếm 9,4% trong tổng số 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của cả nước. Ngoài 28 khu công nghiệp này, hiện Khu công nghiệp Cây Trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 với diện tích 700 ha và đang triển khai các bước tiếp theo để đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 14.790 ha, chiếm 7,9% trong tổng số 416 khu công nghiệp được quy hoạch của cả nước. Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh dự kiến đầu tư 2 khu công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha; trong đó có khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí nhằm mục tiêu phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô-tô để tạo tiền đề phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Bình Dương triển khai 8 khu công nghiệp chủ yếu trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo nhằm phát triển toàn diện công nghiệp của tỉnh với diện tích quy hoạch mới là hơn 6.000 ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, để thích ứng tình hình thực tiễn, tỉnh đang xây dựng các khu công nghiệp theo hướng thông minh và bền vững, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 và gắn liền với quy hoạch vùng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Trong giai đoạn mới, tỉnh định vị phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các khu công nghiệp là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững.