Xếp cuối ở vòng loại, vừa đủ để giành vé vào lượt bơi chung kết, nhưng vận động viên sinh năm 2002 đã xuất sắc đánh bại một loạt những đối thủ nặng ký để giành tấm huy chương vàng danh giá, trong đó có ứng cử viên số 1 Jack McLoughlin của Australia.
Cách đây ba năm, Hafnaoui mới chỉ cán đích ở vị trí thứ 8 nội dung tương tự tại Olympic trẻ 2018 ở Buenos Aires. Thậm chí năm 2019, anh còn không đủ điều kiện tham dự Giải vô địch bơi lội trẻ thế giới. Nhưng chỉ hai năm sau đó, chàng trai 18 tuổi đã là nhà vô địch Olympic sau chiến thắng ngoạn mục sáng nay.
Khởi đầu đầy tốc độ ở 200m đầu tiên với tốc độ tiệm cận kỷ lục thế giới, song Hafnaoui lại dần tụt lại trong nửa sau của cuộc đua. Tuy nhiên, kình ngư Tunisia đã bất ngờ bứt tốc mạnh mẽ trong 50 mét cuối cùng để cán đích đầu tiên đầy ngoạn mục sau 3 phút 43 giây 36.
Thành tích này chỉ hơn kết quả của người về nhì Jack McLoughlin đúng 0,16 giây, đủ để giúp Hafnaoui mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Tunisia ở Olympic lần này.
Chiến thắng đầy bất ngờ của Hafnaoui cũng đồng nghĩa với tấm huy chương vàng thứ 3 cho Tunisia ở môn bơi lội và là huy chương Olympic đầu tiên của họ ở nội dung 400m tự do nam.
Cũng ở môn bơi lội sáng nay, chung kết 4x100 m tiếp sức tự do nữ chứng kiến sự xuất sắc của các cô gái Australia khi họ giành huy chương vàng sau 3 phút 29 giây 69, đồng thời thiết lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung này.
Đáng chú ý, cả hai kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic cũ đều do các kình ngư Australia nắm giữ.
Đây cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của đoàn thể thao Australia ở Olympic Tokyo 2020.
Ngoài ra, đoàn Mỹ cũng đã có huy chương vàng đầu tiên ở Thế vận hội lần này, sau khi kình ngư Chase Kalisz vượt qua người đồng đội Jay Litherland để cán đích đầu tiên tại chung kết 400 m hỗn hợp cá nhân nam với thành tích 4 phút 09 giây 42.
Đoàn chủ nhà Nhật Bản cũng vừa có thêm tấm huy chương vàng thứ 2 tại Olympic, do công của kình ngư Yui Ohashi ở nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ.
Ohashi sớm thể hiện sự vượt trội của mình trên đường đua xanh, khi liên tục dẫn đầu cuộc đua từ đầu đến cuối, dù vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của hai kình ngư người Mỹ, Emma Weyant và Hali Flickinger.
Cán đích sau 4 phút 32 giây 08, cô gái sinh năm 1995 đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho bơi lội Nhật Bản ở kỳ Olympic trên sân nhà.
Chiến thắng này cũng mang nhiều ý nghĩa đối với cá nhân Ohashi sau khi cô đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp mà bản thân từng mô tả là “chạm đáy”, bao gồm cả việc bị chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu vào năm 2015, vốn gây ảnh hưởng rất lớn đến thành tích cũng như quá trình luyện tập của Ohashi trên đường đua xanh.
Ngày mai, bơi lội Việt Nam mới ra quân tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, với kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tham gia vòng loại 200 m tự do nữ vào lúc 17h05 (giờ Việt Nam). Sau đó một ngày, đến lượt Nguyễn Huy Hoàng xuất trận ở vòng loại 800 m tự do nam.