Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Tường

Những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường được ghi nhận là địa phương thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Vĩnh Phúc, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, triển khai và hoàn thành đúng tiến độ nhiều công trình, dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Thành Trung (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra tiến độ thi công Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng.
Chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Thành Trung (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra tiến độ thi công Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng.

Năm 2022, huyện Vĩnh Tường thực hiện giải ngân nguồn vốn do cấp huyện, cấp xã quản lý đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trên tổng số gần 1.160 tỷ đồng, đạt 94,61% số vốn được giao. Bên cạnh đó, huyện tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư.

Năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai một cách khẩn trương, quyết liệt và chặt chẽ. Ủy ban nhân dân huyện xác định, việc điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn là một trong các giải pháp cần thiết.

Các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên rà soát khả năng giải ngân của từng dự án, định kỳ báo cáo kết quả rà soát và đề xuất điều chuyển vốn khi cần thiết.

Đối với công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân, Phó phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Lê Văn Hoàn cho biết, huyện thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng, không dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm. Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng, thanh toán.

Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Tường ảnh 1

Công trình Trường trung học cơ sở Vĩnh Tường được hoàn thành năm 2022.

Kho bạc Nhà nước thực hiện đúng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Đến hết tháng 7/2023, toàn huyện đã thực hiện giải ngân 36,36% tổng số vốn đã giao.

Khảo sát tại xã Bồ Sao cho thấy, địa phương này có 23 dự án chuyển tiếp và khởi công mới với tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng. Theo báo cáo của xã, nợ khối lượng hoàn thành còn hơn 17 tỷ đồng, không có công trình chậm quyết toán. Ủy ban nhân dân xã đã nỗ lực thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, thực hiện giám sát đầu tư một cách chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng các công trình đã và đang triển khai.

Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường chỉ đạo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư từ khảo sát, thiết kế, thẩm định dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, quyết toán, tăng cường xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, giải ngân hết vốn kế hoạch được giao.

Huyện phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn được Hội đồng nhân dân huyện thông qua; ưu tiên bố trí vốn các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn, dự án đã hoàn thành. Mức bố trí vốn phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong năm và giải ngân trong năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Nguyễn Thành Trung cho biết, huyện sẽ tập trung quyết toán dự án hoàn thành, thanh toán công nợ, không để phát sinh nợ mới, cắt giảm dự án không có khả năng huy động vốn, đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Đồng thời, Vĩnh Tường tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến dự án quá hạn đầu tư; tổ chức thực hiện nghiêm công tác giám sát đánh giá đầu tư; chỉ lựa chọn nhà thầu khi đã được bố trí vốn.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng Nguyễn Văn Tân nêu kinh nghiệm của địa phương, đó là: làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt chú trọng đến sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, nhất là quy hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho các dự án có yêu cầu giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung. Tổ chức lựa chọn các nhà thầu bảo đảm năng lực để thực hiện dự án. Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án có khả năng giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Tường ảnh 2
Công trình Trường trung học cơ sở Bồ Sao mới hoàn thành năm 2023.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Đàm Hữu Tuấn thông tin: toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đều phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, nhiều dự án được triển khai đúng tiến độ.

Trong 3 năm đầu của kỳ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện đã phân bổ hết số vốn được quyết nghị cho các chương trình, nghị quyết, dự án và các đối tượng đầu tư công bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tiêu chí và thứ tự ưu tiên.

3 năm qua, Vĩnh Tường tập trung triển khai đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều tuyến đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Một số dự án lớn được hoàn thành như: Trung tâm Hội nghị huyện; Trường THCS chất lượng cao huyện Vĩnh Tường; Quảng trường công viên trung tâm huyện; một số đoạn tuyến thuộc tuyến đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc; cải tạo, chỉnh trang hồ Vực Xanh; hệ thống cấp nước sạch tại thị trấn Thổ Tang; hoàn thành hơn 220km đường điện chiếu sáng giao thông tại 13 xã, thị trấn và các tuyến đường trục huyện ...

Để tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, huyện Vĩnh Tường kiến nghị cần nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và xây lắp; điều chỉnh hạn mức loại dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; phân cấp mạnh hơn nữa cho cấp huyện trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế sau thiết kế cơ sở.

Tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường; Quy hoạch chung điều chỉnh thị trấn Thổ Tang để có cơ sở triển khai thực hiện các dự án; sớm thẩm định, phê duyệt các dự án phải duyệt đánh giá tác động môi trường làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm.