Từ năm 2020, Đảng bộ xã Tiền Phong được Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đưa vào diện phải củng cố do khó khăn trong công tác cán bộ, có đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp
Trước thực tế này, ngày 20/10/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án 11 về “Củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành Đảng bộ xã Tiền Phong trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương”. Trong đó nêu rõ các vấn đề cần phải tập trung xử lý triệt để, từ công tác tư tưởng, nhân sự đến những vấn đề dân sinh bức xúc.
Về công tác tư tưởng, Huyện ủy chỉ đạo tổ chức 17 hội nghị nhằm quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người. Công tác quản lý, quy hoạch cán bộ được tăng cường; đồng thời thực hiện sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong thực thi chức trách nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, hai vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai trên địa bàn cũng được huyện và xã vào cuộc quyết liệt, trong năm 2022 cơ bản giải quyết xong. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp và chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã, cho nên đã hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp. Với những giải pháp đồng bộ như vậy, đến nay tình hình tại xã Tiền Phong đã ổn định trở lại và huyện Mê Linh có văn bản đề nghị thành phố đưa ra khỏi diện cần củng cố.
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã được Huyện ủy Mê Linh triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng.
Trong đó, huyện xây dựng kế hoạch, đề án để kịp thời củng cố tổ chức cơ sở đảng có vấn đề quan tâm; khắc phục ngay biểu hiện hình thức trong đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đánh giá cán bộ. Đối với địa bàn phức tạp, Ban Thường vụ Huyện ủy điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về để khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại địa phương.
Nắm bắt, giải quyết kịp thời từ cơ sở
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập bốn đoàn kiểm tra, giám sát đối với 10 tổ chức đảng và 20 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thành lập năm đoàn kiểm tra đối với 11 tổ chức đảng, 12 đảng viên; hai đoàn giám sát đối với hai tổ chức đảng, tám đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 42 đảng viên. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như vậy, cho nên trong năm 2022, Mê Linh đã củng cố được hai tổ chức đảng là xã Tiền Phong và Vạn Yên; còn ba xã sẽ quyết tâm thực hiện trong năm 2023.
Cùng với đó, nhiều vấn đề trong giải quyết các dự án chậm triển khai; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn ghép cho các hộ dân đã được giải quyết, qua đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm đơn thư, khiếu kiện và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Huyện ủy Mê Linh cũng thẳng thắn đánh giá, việc củng cố tổ chức cơ sở đảng mặc dù được chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả còn hạn chế, hiện còn ba tổ chức đảng chưa củng cố xong. Có địa phương chưa tập trung xử lý vi phạm trước đây về đất đai, trật tự xây dựng, thậm chí còn phát sinh vi phạm mới. Cùng với đó, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số cơ quan được giao nhiệm vụ chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp.
Bên cạnh việc tập trung khắc phục những hạn chế này, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15 của huyện cần tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp để củng cố, kiện toàn cơ sở đảng yếu kém; giải quyết dứt điểm những điểm nóng, vụ việc phức tạp, những vấn đề dân sinh bức xúc.
Các đồng chí lãnh đạo từ huyện tới cơ sở bố trí nhiều thời gian hơn cho công tác tiếp công dân theo quy định; đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có tính chất chây ỳ, kéo dài.
Đồng thời, từ huyện đến cơ sở phải nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý, giải quyết các vụ việc bức xúc, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn, nhất là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hay xảy ra các vi phạm, tiêu cực như: quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường nhằm tạo sự ổn định từ cơ sở.