Tại thị trường Australia, từ ngày 18/8 đến 27/9, Hệ thống siêu thị MCQ và Công ty AusViet thực hiện Chương trình xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam “Viet Nam, Land of World’s Best Rice” (Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới). Theo đó, 10.000 túi gạo thương hiệu Ban Mai Cung Đình sẽ được nhà phân phối M-Import và hệ thống siêu thị MCQ tặng cho 10.000 khách hàng dùng thử.
Hỗ trợ tích cực cho nông sản Việt Nam
Hệ thống siêu thị MCQ chính là kênh phân phối do người Việt Nam thành lập. Không chỉ với sự kiện quảng bá cho hạt gạo này mà trước đó, hệ thống phân phối do doanh nghiệp Việt kiều làm chủ đã đồng hành với rất nhiều chiến dịch quảng bá nông sản Việt Nam tại Australia như quả vải thiều, nhãn, thanh long, xoài, sầu riêng đông lạnh… Cùng với gạo, cũng trong thời gian này tại Thành phố Melbourne, Công ty AusViet tặng hàng trăm túi gạo ST25 tới người tiêu dùng Australia để quảng bá đến người tiêu dùng bản địa về loại gạo ngon nhất thế giới.
Trước đó, vào giữa tháng 6, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phối hợp Công ty LTP Import Export BV và siêu thị Thanh Hùng tổ chức Chương trình “Vietnam fresh golden lychees – Taste it, love it” tại siêu thị Thanh Hùng, thành phố Spijkenisse, phía nam Hà Lan. Khách mời thử vải là người Hà Lan, người Thái Lan, người Indonesia, người Việt Nam sinh sống tại vùng Spijkenisse đã rất ngạc nhiên khi nếm thử quả vải Việt, ngọt hơn, cùi dày hơn so với quả vải Thái.
Chị Vân Anh, chủ siêu thị Thanh Hùng cho biết, bên cạnh việc sẵn sàng hỗ trợ trái vải quê nhà, chị mong muốn có nguồn hàng ổn định hàng năm để duy trì kinh doanh tại Hà Lan. Siêu thị Thanh Hùng đã kinh doanh vải Trung Quốc từ nhiều năm nay, giá 22-25 EURO/kg. Quả vải Việt Nam với giá 18 EURO/kg chắc chắn thu hút được nhiều khách hàng.
Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đã có những sự hỗ trợ rất mạnh mẽ để đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới và hiện diện tại các siêu thị tại thị trường nước ngoài.
Hiện nay, tại hệ thống phân phối bản địa, ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Tại Pháp, hầu hết các thành phố đều có sự xuất hiện của các siêu thị châu Á và siêu thị Việt Nam để phục vụ bà con người Việt như siêu thị Thanh Binh – Jeune tại thủ đô Paris hay siêu thị Tien Hung tại thành phố Strasbourg. Bằng việc quảng bá từ các kênh siêu thị này, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam còn xuất hiện trên các kệ hàng tại chuỗi siêu thị đại chúng của Pháp như Auchan hay Carrefour như gạo, bánh tráng, nem, nước mắm...
Tại Đức và Séc, chợ Đồng Xuân (Berlin, Đức) và chợ Sapa (Praha, Séc) được hình thành với quy mô như các trung tâm thương mại lớn để trao đổi, buôn bán các sản phẩm quê hương. Đây cũng chính là cửa ngõ để đưa hàng Việt Nam vào các thị trường này. Đặc điểm của các chợ này là các sản phẩm hàng Việt đều có giá thành rẻ hơn các sản phẩm bán tại siêu thị thông thường. Vì vậy, bên cạnh những Việt kiều, những người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây, các khu chợ còn thu hút nhiều người bản địa đến mua sắm và trải nghiệm các sản phẩm của người Việt.
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu cho biết, cộng đồng người Việt tại nước ngoài hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, sinh sống ở nước sở tại nhiều năm, mỗi người Việt đều có sự hiểu biết nhất định về phong tục tập quán, thị hiếu và thị trường tiêu thụ của người dân châu Âu. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu.
Không chỉ sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt kiều còn đầu tư, chấp nhận rủi ro để đưa hàng Việt vươn ra thế giới. Đầu tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được sơ chế và đóng gói theo cách đặc biệt, đã theo đường biển sang châu Âu. Sau 5 tuần trên biển, quả vải tươi vẫn khô ráo, vỏ mềm, tươi ngon, đặc biệt, mức giá rẻ hơn 1/3 so với vận chuyển đường hàng không. Đây là một thử nghiệm của Công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan), chấp nhận bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đưa vải thiều tươi Lục Ngạn sang châu Âu bằng container đường biển.
Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. – cho biết, thời gian tới, mong muốn tăng cường nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Hiện nay 50% hàng nhập khẩu của công ty là sản phẩm đến từ Việt Nam.
Đẩy mạnh kết nối
Mặc dù, hàng nông sản có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao và mức độ cạnh tranh còn nhiều hạn chế do chi phí vận chuyển cao, độ ổn định của sản phẩm chưa đồng đều…
Để quảng bá nông sản Việt tại thị trường nước ngoài, theo một số doanh nghiệp Việt kiều, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước nên đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp Việt kiều, từ đó có thể giảm chi phí, tăng cơ hội thâm nhập thị trường nước sở tại. Sự hợp tác này cần được tiến hành nhanh chóng, cũng như hình thành cơ chế hợp tác bền vững từ đầu tư đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần duy trì chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp… Có như thế mới bám chắc vào các thị trường quốc tế. Ông Phạm Văn Hiển cho biết, để đi đường dài, tăng được sản lượng và có sức cạnh tranh tốt, doanh nghiệp xuất khẩu và địa phương cần bắt tay để cải thiện vùng trồng, gia tăng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đặc biệt ,doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ bảo quản giúp trái cây tươi đi được đường biển để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Hiện nay, Bộ Công thương bước đầu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các doanh nhân Việt kiều, tạo điều kiện để các doanh nhân Việt Nam trong nước và nước ngoài kết nối, thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh. Điều này đã phát huy lợi thế của cộng đồng người Việt kiều về am hiểu thị trường sở tại, có chung gốc văn hóa Việt, từ đó giúp doanh nghiệp Việt kiều dễ dàng kết nối hơn. Đồng thời, giúp hàng Việt Nam hiện diện tốt hơn tại thị trường thế giới.