Kiều bào tại Pháp tích cực gìn giữ tiếng Việt, hướng về quê hương

NDO - Ngày 20/7, ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và tham dự lễ phát động phong trào tôn vinh tiếng Việt.
0:00 / 0:00
0:00

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là sứ giả rất tích cực, có nhiều đóng góp đầy tự hào trong việc kết nối đất nước, con người Việt Nam với bạn bè và nhân dân Pháp.

Kiều bào tại Pháp tích cực gìn giữ tiếng Việt, hướng về quê hương ảnh 1
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thông báo về những chủ trương và chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về sinh sống và làm ăn ở quê nhà. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Dù chỉ là cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ và Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có số lượng trí thức, doanh nhân đông nhất trên thế giới. Nhiều người trong số đó đã tham gia vào hệ thống chính trị của Pháp. Có nhiều giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và doanh nhân thành đạt đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật của nước Pháp, cũng như cống hiến cho sự giàu mạnh của quê hương. Bên cạnh đó, đóng góp lớn nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp chính là sự vun đắp ngày càng sâu sắc tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến của đại diện các hội đoàn nhằm xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp ngày càng vững mạnh, đoàn kết và hội nhập, thúc đẩy khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng chia sẻ: Sự đóng góp và cống hiến của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ vị thế, cơ đồ và tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa đất nước trở nên hùng cường hơn. Cơ đồ rộng mở hơn của đất nước Việt Nam có được như ngày nay chính là nhờ vào công sức của mỗi người con Việt Nam dù sinh sống, học tập và làm việc ở trong nước hay tại nước ngoài.

Kiều bào tại Pháp tích cực gìn giữ tiếng Việt, hướng về quê hương ảnh 2

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao tặng Kỷ niệm chương cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt tại Pháp. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã ngày càng lớn mạnh với số lượng lớn thành viên hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống tại nước sở tại, từ chính trị, kinh tế, y tế, khoa học-công nghệ cho tới văn hóa, xã hội, nghệ thuật.

Dù sinh sống tại nhiều địa phương của Pháp, cộng đồng người Việt Nam vẫn tạo nên một “vòng tay lớn” để cùng nhau gây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời gian qua.

Trong nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt cho con em thế hệ thứ ba, thứ tư trong các gia đình kiều bào, Hội người Việt Nam tại Pháp đã tích cực tổ chức nhiều lớp học tiếng Việt, cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao kết hợp lồng ghép với các chương trình giảng dạy, vui chơi cùng tiếng Việt. Những hoạt động thiết thực như vậy đã tạo ra sự thích thú và đam mê tìm hiểu nguồn cội cho trẻ em gốc Việt.

Nhiều gia đình Việt Nam đã cho con em mình lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt trong chương trình học tập tại trường cấp 2, cấp 3 như ngôn ngữ thứ hai, để các em có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn với văn hóa Việt Nam.

Kiều bào tại Pháp tích cực gìn giữ tiếng Việt, hướng về quê hương ảnh 3

Ông Cấn Văn Kiệt chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con em kiều bào trong nhiều năm qua. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Ông Cấn Văn Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, chia sẻ nguyện vọng của bà con tại nước sở tại trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo đó, duy trì và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cần thiết trở thành một chính sách trọng tâm, để nâng tầm công tác giảng dạy tiếng Việt trở thành một chương trình hoạt động song phương giữa hai quốc gia.

Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Pháp cho biết: việc giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt cần phải được lồng ghép cùng với nhiều hoạt động bổ ích và ý nghĩa khác như võ thuật, hội họa, khám phá khảo cổ, lưu trữ bảo tàng và nghiên cứu ngôn ngữ, để tăng cường tính ứng dụng ngôn ngữ tiếng Việt sau khi học tập.

Tăng cường việc xuất bản những cuốn sách, bộ truyện tranh dưới hình thức song ngữ Pháp-Việt cũng là một ý tưởng đề xuất từ phía Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Pháp, trong bối cảnh con em kiều bào thế hệ thứ ba, thứ tư có mong muốn rất lớn trong việc tìm hiểu, khám phá về ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc.

Từ Ngày tôn vinh tiếng Việt được triển khai từ năm 2023, ý tưởng về việc thành lập một cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Việt, tương tự như mô hình của các nhóm cộng đồng ngôn ngữ chung khác như Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, sẽ tạo ra được một mạng lưới giao lưu, cũng như tăng cường sự ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hóa tiếng Việt trên trường quốc tế.

Kiều bào tại Pháp tích cực gìn giữ tiếng Việt, hướng về quê hương ảnh 4

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Đinh Toàn Thắng tặng quà cho các cháu có kết quả tốt trong học tiếng Việt. (Ảnh: MINH DUY)

Em Phạm Thu Giang, thành viên 13 tuổi tích cực tham gia trong các hoạt động của Câu lạc bộ Cánh Diều cho rằng: chuyến công tác của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng đoàn công tác Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn động viên lớn đối con em người Việt.

“Cháu rất vui khi được chia sẻ với bạn bè Pháp về niềm tự hào của cháu khi là một người con của Việt Nam. Sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, nhưng cháu luôn cố gắng học tiếng Việt. Vì cháu hiểu rằng ngôn ngữ chính là cầu nối quan trọng nhất để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc", em Phạm Thu Giang hào hứng chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác giảng dạy và học tập tiếng Việt cho con em tại Pháp vẫn còn nhiều khó khăn. Anh Rabind Angot, phụ trách quản lý trường “Về nguồn” chia sẻ về nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong việc tăng cường trang bị các nguồn tài liệu, sách báo phục vụ cho công tác giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em kiều bào.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp và những ý tưởng đề xuất, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Toàn bộ hệ thống chính trị trong nước dành một sự quan tâm sâu sắc trong công tác chăm lo đời sống, quyền lợi của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.

Trong thời gian qua, nhiều các chương trình hoạt động ý nghĩa dành cho bà con kiều bào, cũng như cho con em Việt kiều ở từng nhóm tuổi khác nhau. Qua đó, bà con có cơ hội được trở về Việt Nam, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc ngay trên chính mảnh đất quê hương, để thêm hiểu và thêm yêu hơn hai chữ “Tổ quốc”.

Ngày 22/8 sắp tới, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp các bộ, ban, ngành, sẽ tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 1 tại Hà Nội. Đây là dịp quan trọng để kiều bào hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, tăng cường kết nối doanh nhân, chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khai trương “Tủ sách tiếng Việt” đặt tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, gồm nhiều đầu sách khác nhau như tài liệu dạy và học tiếng Việt, truyện tranh cho trẻ em, tài liệu tham khảo, tài liệu bổ trợ nâng cao…

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã có buổi gặp gỡ và làm việc cùng đại diện bà con kiều bào, thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Bordeaux vào ngày 21/7.