Kiến tạo “công xưởng sản xuất mới” ở Bắc Trung Bộ

Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên chiếm hơn 10% diện tích của cả nước, có đường bờ biển dài hơn 300 km, lại nằm ở vị trí đắc địa thuận lợi về giao thông kết nối với cả vùng, trong nước và quốc tế. Tận dụng những lợi thế, cùng với sự nỗ lực, liên kết của ba tỉnh đã tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, góp phần cùng cả nước hướng mạnh đến mục tiêu tạo “công xưởng sản xuất mới” của thế giới cũng như một cực tăng trưởng mới của cả nước.
Cầu Cửa Hội nối liền hành lang phát triển ven biển của các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Cầu Cửa Hội nối liền hành lang phát triển ven biển của các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Với điều kiện thuận lợi về giao thông kết nối, ba tỉnh hội đủ điều kiện để kết nối, phát triển thành mạng lưới các ngành sản xuất quy mô lớn với điểm nhấn là công nghiệp năng lượng, chế tạo và chế biến. Nhận rõ tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung ương cũng nghiên cứu đề ra nhiều nghị quyết và đều chỉ rõ việc định hướng phát triển của ba tỉnh là phát triển công nghiệp.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra định hướng “Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước”... Ðây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, đồng thời là những định hướng lớn để ba tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư và sớm trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước.

Từ định hướng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo, các tỉnh đã tập trung nguồn lực, đưa ra các chương trình, chính sách cụ thể để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của mình như: Công nghệ lọc hóa dầu, sản xuất thép, xi-măng, sản xuất linh kiện điện tử... nhờ đó đã tạo ra được các trung tâm sản xuất công nghiệp động lực, cung ứng năng lượng, sắt thép lớn cho thị trường trong và ngoài nước.

Ðiển hình là nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn/năm; Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư chín tỷ USD, công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước; Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1.800 MW/năm hoặc các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, giày da ở 13 khu công nghiệp của Nghệ An, nơi được kỳ vọng sẽ tạo việc làm ổn định cho 60.000 lao động trong và ngoài địa phương. Theo đánh giá, các trung tâm sản xuất công nghiệp động lực là hạt nhân tăng trưởng chính, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của các tỉnh đạt từ 7,01-8,05%/năm.

Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành công nghiệp địa phương trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, trên cơ sở kế thừa những kết quả phát triển sản xuất công nghiệp thời gian qua và thực hiện các giải pháp mang tính đột phá được đưa ra tại quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế; phát triển công nghiệp sau thép, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ logistics.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng và hình thành các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng, gắn với thúc đẩy phát triển thị xã Kỳ Anh, từng bước hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh trong tương lai; huy động nguồn lực để phát triển Khu kinh tế Cầu Treo; mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trên địa bàn...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Ðỗ Minh Tuấn, nhằm tạo ra không gian phát triển mới, gắn kết nhằm tối ưu hóa lợi thế quy mô kinh tế trong điều kiện nguồn lực hạn chế, ba tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, từng bước triển khai quy hoạch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của mỗi tỉnh bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả, đồng bộ về kết cấu hạ tầng để tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó, các tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển.

Cùng với đó, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; cụm liên kết ngành kinh tế biển với hai đầu cầu là Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng gắn với cảng nước sâu của Thanh Hóa và Hà Tĩnh; phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ...

Ðồng quan điểm nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Ðức Trung cho biết, thời gian tới các tỉnh sẽ phối hợp, nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu, có tính chất liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị; chú trọng việc nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không, hệ thống logistics đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc tế để tối ưu hóa vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư FDI; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Ðông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Có thể bạn quan tâm