Ngày 22/11, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội phát hiện một chiếc xe tải gắn mác “chuyển phát nhanh” có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, phát hiện phía bên trong thùng xe tải có lượng lớn hàng hóa là bánh kẹo, thực phẩm có gắn nhãn mác nước ngoài. Đáng chú ý, số hàng hóa được ngụy trang rất tinh vi và đều có hóa đơn chứng từ, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra sâu phía bên trong thì có khoảng hơn 3.600 túi xúc xích nhãn mác Trung Quốc.
Đây là loại thực phẩm trôi nổi được bán rất nhiều ở khu vực cổng trường học cho học sinh. Trước đó, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở mổ giết gà đang chế biến thực phẩm bẩn. Cơ sở giết mổ gia cầm tại tổ 43, khu phố 4C, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa do bà Trần Thị Ngọc Thương (TP Hồ Chí Minh) làm chủ. Thời điểm kiểm tra, cơ sở này có bốn người đang làm lông, mổ gà. Điều đáng nói, số gà này là một phần của hơn hai tấn gà công nghiệp đã chết và bốc mùi đang chứa trên thùng xe tải. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở mổ gà khai là đã mua gà ở các trại nuôi thuộc địa bàn tỉnh với giá chỉ 4.000 đồng/kg; sau đó vận chuyển về cơ sở, làm sạch lông và đi tiêu thụ ở địa phương này và các vùng lân cận.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm “bẩn” mà các mặt hàng bánh kẹo kém chất lượng cũng đã được các lực lượng chức năng ra quân bắt giữ. Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, các gói quà Tết của nhiều hãng khác nhau.
Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt kẹo được nhập khẩu tràn lan, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn.
Chị Thu Trang, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, việc đi mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho ngày Tết khiến chị rất khó lựa chọn. “Tôi thấy hàng hóa Tết bày bán rất đa dạng và phong phú, nhưng lựa chọn lại rất khó vì chủ yếu là hàng nhập ngoại như bánh kẹo, hạt dưa và nhiều loại thực phẩm khác. Do đó, tôi chỉ dám mua hàng ở những nơi quen biết, nhưng cũng không chắc mình mua được toàn bộ là hàng hóa bảo đảm chất lượng”, chị Trang nói.
Cùng suy nghĩ với Trang, chị Thu Thủy, phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) cho biết, chị chỉ tin tưởng mua thực phẩm Tết từ người quen tự làm và nói “không” với các loại bánh mứt, chả giò… bán tràn lan ngoài thị trường.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội có 70.779 cơ sở thực phẩm. Trong chín tháng đầu năm 2022, thành phố thành lập 806 đoàn thanh tra, kiểm tra 20.688 cơ sở, trong đó có 16.985 số cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 82,1%), 3.618 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.
Cùng với đó, ngành y tế thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai hai hoạt động chương trình an toàn thực phẩm, bao gồm: Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Cụ thể là, tiếp tục triển khai và duy trì các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì và xây mới 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 17 quận, huyện; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát, nhằm nâng cao ý thức tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, song thực tế hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn gặp phải không ít khó khăn, bất cập. Một số chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, thực hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã được tăng cường, nhưng còn chưa kiên quyết, chủ yếu chỉ nhắc nhở. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường, cùng với việc chấp hành nghiêm các Kế hoạch về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm từ vật tư đầu vào đến công tác sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường, trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, tăng cường giám sát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ. Tập trung vào khâu hậu kiểm ở các doanh nghiệp tự công bố về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh vận động doanh nghiệp và nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý. Xử lý nghiêm các hành vi lưu thông hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc...