Khu dân cư Mã Lạng có vị trí đắc địa ngay tại trung tâm quận 1, được bao bọc bởi bốn tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh-Trần Ðình Xu-Nguyễn Trãi-Cống Quỳnh. Gần 20 năm qua, 500 hộ dân với khoảng 1.500 nhân khẩu ở đây phải sống lay lắt trong những căn nhà ẩm thấp, xập xệ mà không thể sửa chữa, xây dựng vì Khu dân cư Mã Lạng được quy hoạch làm dự án trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.
Tương tự, dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần Sài Gòn Gôn ở phường Long Trường, thành phố Thủ Ðức có diện tích 158ha nhưng nhiều năm nay chưa thực hiện. Hay dự án khu phức hợp Ðầm Sen rộng 5,46ha ở phường 13, quận 11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng, làm khốn khổ hàng trăm hộ dân.
Tại huyện Củ Chi, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều dự án chậm triển khai từ 13 năm đến hơn 20 năm. Ðó là dự án Khu công nghiệp Ðông Nam ở xã Hòa Phú, xã Bình Mỹ đã thực hiện 13 năm qua nhưng người dân chưa được tái định cư; vòng xoay quốc lộ 22-Nguyễn Thị Rành kéo dài hơn 20 năm; dự án mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 kéo dài gần 20 năm.
UBND huyện Bình Chánh vừa có báo cáo rà soát hơn 320 dự án đang triển khai trên địa bàn, trong đó có 87 dự án nhà ở hết hiệu lực triển khai, trải đều tại 13 xã trên địa bàn. Trong đó, xã Bình Hưng có 34 dự án nhà ở, hai dự án hạ tầng hết hiệu lực. Xã Phong Phú có 11 dự án nhà ở; xã An Phú Tây có 15 dự án nhà ở và xã Tân Kiên có năm dự án hết hiệu lực. Các xã Tân Nhựt, Tân Túc, Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A, mỗi xã có ba dự án. Xã Lê Minh Xuân có sáu dự án nhà ở và một dự án hạ tầng. Các xã Vĩnh Lộc B, Ða Phước, Hưng Long, Bình Chánh, mỗi xã có một dự án hết hiệu lực.
Theo ông Võ Công Lực, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, thành phố có khoảng 2.900 dự án được phê duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, có 1.502 dự án đã thực hiện, 872 dự án đang thực hiện và 616 dự án chưa thực hiện. Thời gian qua, thành phố đã thu hồi 169 trong số 616 dự án chưa thực hiện. Cụ thể, có 108 dự án hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo Văn bản số 4289 ngày 6/12/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh (không thuộc trường hợp nghị quyết của HÐND thành phố thông qua thu hồi đất); 61 dự án thuộc trường hợp phải trình HÐND thành phố hủy bỏ và được chấp thuận.
Ông Võ Công Lực cho rằng, phần lớn là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Một số dự án lớn, thực hiện trên nhiều địa bàn quận, huyện, đòi hỏi có sự phối hợp giữa các địa phương; một số dự án khác liên quan đến kế hoạch sử dụng nhà đất, phải xin ý kiến nhiều bên. Bên cạnh đó, một số dự án lớn có quy trình thực hiện thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trải qua nhiều bước...
Ðể xử lý căn cơ tình trạng các dự án chậm triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án đăng ký đất hơn ba năm mà không thực hiện đúng kế hoạch để báo cáo UBND thành phố thu hồi.
Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ phần lớn đến từ năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư, các vướng mắc khác về giải tỏa bồi thường, pháp lý. UBND huyện Bình Chánh sẽ ban hành thông báo nhắc nhở các chủ đầu tư đề nghị triển khai theo đúng quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND huyện sẽ có văn bản đề nghị UBND thành phố thu hồi các dự án này.
Huyện Củ Chi cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị các sở, ngành thành phố phối hợp UBND huyện rà soát lại các dự án, quy hoạch, đền bù giải tỏa, đơn giá bồi thường, bố trí nền tái định cư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn. Nếu dự án vẫn không thực hiện thì phải xóa quy hoạch, thậm chí thu hồi và hủy bỏ các dự án này để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.