Kiên quyết đấu tranh với tội phạm trên các tuyến biên giới

Những tháng cuối năm 2023, hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến biên giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, buôn lậu và gian lận thương mại...
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau làm nhiệm vụ kiểm tra tàu vi phạm. (Ảnh LÊ KHOA)
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau làm nhiệm vụ kiểm tra tàu vi phạm. (Ảnh LÊ KHOA)

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên cả nước triển khai nhiều biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT và TP) BĐBP đã xác lập, chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn. Cụ thể, đã chủ trì bắt giữ 37 vụ/144 đối tượng phạm tội ma túy, thu 236,863 kg ma túy các loại; phá 12 vụ, bắt giữ 23 đối tượng buôn lậu, thu 100 tấn đường, 2,368 tấn pháo, 5.400 bao thuốc lá, 193.035 lít dầu, 4,86m3 gỗ..., tổng giá trị hàng hóa tạm giữ để điều tra, xác minh khoảng 8,9 tỷ đồng...

Trong năm 2023, các đơn vị BĐBP đã quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về triển khai hiệu quả các hoạt động đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, vùng biển; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chuyên trách xây dựng, triển khai thực hiện tốt các quy chế phối hợp nắm tình hình, trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh triệt phá.

Trên cơ sở nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BĐBP các tỉnh, thành phố mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm phức tạp; chặn đứng hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT và TP) BĐBP đã xác lập, chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn. Cụ thể, đã chủ trì bắt giữ 37 vụ/144 đối tượng phạm tội ma túy, thu 236,863 kg ma túy các loại; phá 12 vụ, bắt giữ 23 đối tượng buôn lậu, thu 100 tấn đường, 2,368 tấn pháo, 5.400 bao thuốc lá, 193.035 lít dầu, 4,86m3 gỗ..., tổng giá trị hàng hóa tạm giữ để điều tra, xác minh khoảng 8,9 tỷ đồng...

Điển hình là chuyên án A21222.2p do Đoàn 2, Cục PCMT và TP phối hợp với BĐBP và Công an tỉnh Kon Tum, bắt giữ hai đối tượng, thu 34 bánh heroin; chuyên án ĐB523p do BĐBP tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Cục PCMT và TP và Công an tỉnh Điện Biên, bắt giữ hai đối tượng, thu 120.000 viên ma túy tổng hợp.

Theo Cục PCMT và TP BĐBP, trên các tuyến biên giới, tình hình tội phạm ma túy diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Do những khoản lợi nhuận “kếch xù” từ hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, cho nên phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Tổ chức hoạt động của các đối tượng này mang tính chất chuyên nghiệp theo đường dây, ổ nhóm khép kín, nhiều tầng, nấc.

Hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào, Campuchia qua khu vực biên giới vào Việt Nam tiêu thụ và đi sang nước thứ ba có nhiều diễn biến phức tạp; hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, có vũ khí nóng...

Tình hình tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp tại địa bàn ở khu vực biên giới cửa khẩu, vùng biển. Trên vùng biển đông bắc, tây nam, hoạt động vận chuyển trái phép xăng, dầu tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm che mắt các cơ quan chức năng, thậm chí rất manh động, bỏ chạy hoặc cướp cả hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ. Các tổ chức, đường dây chuyên đưa người xuất, nhập cảnh trái phép tiếp tục sử dụng chiêu thức quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” để thu hút, tuyển dụng lao động người Việt Nam và đưa sang Campuchia, sau đó ép buộc nạn nhân làm việc trong các sòng bài, công ty trá hình trái phép. Đặc biệt, nổi lên hoạt động đưa người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc tại biên giới tỉnh Bình Phước...

Theo lãnh đạo Cục PCMT và TP, trước tình hình phức tạp nêu trên, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, lực lượng PCMT và TP BĐBP đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động xây dựng, tiếp tục đấu tranh chuyên án, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, nắm chắc tình hình địa bàn, điều tra, phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới.

Hiện tại đang là thời điểm cuối năm, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP tỉnh Kiên Giang, hoạt động của các loại tội phạm diễn biến rất phức tạp. Việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng tinh vi, khó phát hiện, có chiều hướng gia tăng trở lại.

Các đối tượng là chủ đầu nậu thường có mối quan hệ chặt chẽ với các chủ hàng bên phía đối diện, thông qua mạng xã hội móc nối mua bán ma túy, hàng cấm, hàng lậu, lợi dụng khan hiếm các mặt hàng. Các đối tượng tập kết hàng tại các điểm sát biên giới Việt Nam, sau đó, thuê người là cư dân hai bên biên giới, thông thuộc địa hình, đường sá, chia nhỏ hàng hóa, lợi dụng đêm tối đi theo những đường mòn, lối mở, băng qua kênh, rạch, ruộng rẫy và cả những cánh rừng để tuồn hàng vào Việt Nam tiêu thụ.

Thượng tá Võ Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: Thành phố Hà Tiên có địa bàn rộng, nhiều kênh rạch qua lại biên giới... việc nắm tình hình, bố trí lực lượng ngăn chặn, đánh bắt rất khó khăn. Với quyết tâm giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị yêu cầu các tổ, đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, tập trung nắm tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại đối tượng; rà soát, phân loại, lập hồ sơ, quản lý chặt chẽ đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, đối tượng bảo kê cho buôn lậu... để tổ chức bắt giữ, xử lý theo quy định.

Theo Thượng tá Diệp Mạnh Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (BĐBP tỉnh Quảng Ninh), đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 2,62km, tiếp giáp với thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn, đăng ký, kiểm soát xuất, nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Móng Cái gồm hai luồng: cửa khẩu Bắc Luân 1, Bắc Luân 2 và cửa khẩu phụ Ka Long. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam-Trung Quốc và các nước ASEAN. Địa bàn đồn phụ trách cũng là khu vực trọng điểm hoạt động của các loại tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại.

Xác định rõ đặc thù đó, đơn vị đã chủ động quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đến cán bộ, chiến sĩ; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng nổi lên cần tập trung đấu tranh; xây dựng, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch cao điểm những tháng cuối năm để đấu tranh phòng, chống, trấn áp quyết liệt, hiệu quả với các loại tội phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mua bán, vận chuyển, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên các tuyến biên giới nói chung vẫn diễn biến phức tạp, mang tính xuyên quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới trong tình hình mới, lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tập trung vào những chủ trương, giải pháp; theo đó cần tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là chủ động nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển; phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình tội phạm trên từng tuyến biên giới, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép để chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn đạt hiệu quả.

Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm soát công khai là một biện pháp quan trọng để trực tiếp bắt giữ đối tượng, tang vật và hỗ trợ đắc lực trong các chuyên án trinh sát. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khu vực biên giới, nhất là các nơi có cửa khẩu và đường mòn qua lại biên giới ■

“Thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cao điểm của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng giả, hàng cấm trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, lực lượng BĐBP sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, đường dây, buôn lậu quy mô lớn, đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quản lý chặt chẽ nội bộ, nâng cao hiệu quả đấu tranh, đánh bắt các loại tội phạm, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới, biển đảo”.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh
Cục trưởng Cục PCMT và TP, Bộ Tư lệnh BĐBP