Kiên quyết đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc tự do internet ở Việt Nam

NDO - Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán quan điểm bảo đảm mọi điều kiện cho sự phát triển toàn diện của người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do internet. Bất chấp thực tế đó, các thế lực phản động, thù địch thường dùng luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ, nhân quyền”, xây dựng “xã hội dân sự”, để xuyên tạc Việt Nam “không có tự do ngôn luận, tự do Internet”.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ hội tiếp cận với máy tính và internet của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày càng được nâng cao. (Ảnh minh họa)
Cơ hội tiếp cận với máy tính và internet của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày càng được nâng cao. (Ảnh minh họa)

Thực tế đòi hỏi cần phải có cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Cơ hội và thách thức

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới.

Kể từ khi xuất hiện, việc sử dụng các mạng này đã được mở rộng từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trở thành công cụ mạnh mẽ được các thương hiệu sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng của họ cả trong nước và quốc tế. Các phương tiện truyền thông trên internet như báo điện tử, website, blog, thư điện tử, mạng xã hội… tại Việt Nam hiện nay đã đóng góp vào sự phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và thế giới. Đặc biệt với sức lan tỏa nhanh mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là giới trẻ.

Do độ tương tác cao, giao tiếp thuận lợi nên người dùng mạng xã hội có thể chia sẻ thông tin và tương tác trực tuyến với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mặt khác, nhờ đa dạng về không gian và thời gian, người dùng có thể truy cập tham gia mạng xã hội ở bất kỳ đâu mà ở đó có dịch vụ internet với cách thức rất đa dạng.

Tuy nhiên, mạng xã hội là trang thông tin mở, các hình ảnh, video, clip, bài viết, tin tức… được lưu hành và chia sẻ chính là nội dung của mạng xã hội và do chính các thành viên tự sáng tạo ra. Càng nhiều người sử dụng những thông tin trên mạng xã hội thì mạng xã hội càng trở thành kho lưu trữ nội dung khổng lồ, trong khi việc thực hiện giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng những thông tin trên mạng xã hội hiện nay còn hạn chế, hầu như phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm của mỗi người tham gia chia sẻ với nhau.

Kiên quyết đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc tự do internet ở Việt Nam ảnh 1
Đưa internet đến với học trò vùng cao.

Do tính đặc thù nên việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là không dễ, các nguồn thông tin đúng, sai khó bề kiểm chứng; tốc độ phát tán rộng rãi, nhanh chóng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Nếu một thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cá nhân hay tổ chức, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm… sẽ gây tác động tiêu cực đến nhiều người. Mạng xã hội hiện đã trở thành môi trường tiềm năng, không gian lý tưởng cho các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là nhiệm vụ của cả người dùng và cơ quan quản lý. Đến nay, hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội, và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhận diện hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet chống phá Việt Nam

Ngày nay, bên cạnh những tác động tích cực nhiều mặt thúc đẩy sự phát triển xã hội, những tác động tiêu cực của thông tin sai trái, độc hại trên internet ngày càng gia tăng phức tạp. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia máy tính đã nhận định “Thế kỷ XXI là thế kỷ của tội phạm mạng” và “Chiến tranh mạng đã là nguy cơ hiện hữu”.

Khác với các hành vi vi phạm pháp luật truyền thống, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực internet xâm hại tới rất nhiều quan hệ xã hội, nhiều lĩnh vực khác nhau như: ngân hàng, quân sự, an ninh, thương mại hay lĩnh vực văn hóa, như: giả mạo trong thương mại điện tử, giả mạo trong thanh toán ngân hàng, phá hoại, các loại tấn công làm tê liệt các dịch vụ máy chủ, tấn công làm tắc nghẽn đường truyền, virus, đánh cắp mật khẩu, đổi tên miền và địa chỉ IP, nghe lén thông tin trên môi trường mạng, thư điện tử mạo danh, thư điện tử vô danh, trang thông tin điện tử giả mạo, lấy cắp thông tin...

Trong lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản trong thời gian qua đã có hàng trăm trang báo điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp, hàng trăm nghìn trang blog của cá nhân xuất hiện trên internet. Lợi dụng chính sách khuyến khích người dân tham gia không gian mở trên internet để khai thác, chia sẻ thông tin đã xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng; chủ yếu như: Đăng, phát nội dung không được phép; thông tin, hoạt động báo chí trái phép; thông tin sai sự thật; đăng phát thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; vi phạm quy định về quảng cáo; không thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép, thông tin nói xấu lãnh tụ, nói xấu chế độ, bôi nhọ nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; đưa các xuất bản phẩm có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm đã bị thu hồi lên mạng internet...

Kiên quyết đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc tự do internet ở Việt Nam ảnh 2

Phòng máy tính của Trường tiểu học Trù Hựu (Bắc Giang) được kết nối Internet và nối mạng LAN bảo đảm phục vụ cho học sinh trong giờ học thực hành môn Tin học.

Sự bùng nổ của tin tức giả mạo (tin bịa đặt, sai sự thật) mang lại không ít phiền toái cho người sử dụng mạng xã hội trong những năm vừa qua. Tin tức giả mạo tràn ngập Facebook, Google, Twitter… đặc biệt liên quan đến các sự kiện lớn.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Đối với lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam, hiện tội phạm mạng đã trở thành mối đe dọa hàng đầu như các hoạt động kích động, lôi kéo biểu tình, nói xấu Đảng và Nhà nước trên mạng, ngoài ra còn có truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm bản quyền số... Tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, trong diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực hiện nay, bí mật thông tin là một nội dung quan trọng mà các nước, các cơ quan đặc biệt thường xuyên thu thập để phục vụ cho cạnh tranh trong hoạt động kinh tế, có lợi cho quan hệ đối ngoại, an ninh quốc phòng…

Các thế lực thù địch và phản động đang ráo riết sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội từ bên ngoài để tuyên truyền tâm lý, tạo dư luận trong nước cũng như ngoài nước nhằm chống phá Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng các tính năng ưu việt, hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin… để hình thành tổ chức bí mật ở trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ cho các hoạt động bạo loạn, lật đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Đáng chú ý, hoạt động phá hoại tư tưởng chủ yếu tập trung vào các thời điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam.

Kiên quyết đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc tự do internet ở Việt Nam ảnh 3
Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ tại internet Day 2020.

Nỗ lực, kết quả bảo đảm tự do ngôn luận, tự do internet ở Việt Nam

Nhân quyền là một lĩnh vực rộng, liên quan trực tiếp đến đời sống của con người, là tổng hợp của các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong đó, những quyền cơ bản, thiết yếu, thực tế nhất là quyền được sống, quyền được bình đẳng, quyền được phát triển trong một xã hội an toàn, quyền được học tập, quyền được lao động, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận…

Những năm qua, dù là đất nước đang phát triển, đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam luôn nỗ lực và đã đạt được những kết quả tích cực trong bảo vệ quyền con người. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại cởi mở với các cơ quan, tổ chức quốc tế về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; để các cơ quan, tổ chức quốc tế có những nhận định, đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch, khách quan. Mặt khác, Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Các quyền hiến định đó được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng, mỗi nước, do bản chất của chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, điều kiện lịch sử đặc thù, tình hình cụ thể trong nước và quốc tế, mà định ra các luật của mình tương thích với nhu cầu thực tế phát triển của đất nước. Do vậy, luật báo chí của các quốc gia, các khu vực khác nhau sẽ không giống nhau và trong các thời kỳ lịch sử khác nhau cũng khác biệt nhau. Chính vì vậy, nội hàm cụ thể của quyền tự do báo chí, xuất bản, thông tin cũng khác nhau ở các nước khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các quyền này, dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là các quyền tuyệt đối, không giới hạn, mà là các quyền có giới hạn.

Kiên quyết đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc tự do internet ở Việt Nam ảnh 4

Nhờ có internet các học sinh người dân tộc thiểu số sẽ được tiếp cận với những thông tin, kiến thức cập nhật nhất, khám phá thế giới. Ảnh các học sinh tại trường Trung học phổ thông Nội trú Lục Khu (xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp.

Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội có những ứng xử phù hợp.

Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet.

Những thành tích của Việt Nam về internet trong những năm qua rất ấn tượng. Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu. Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người sử dụng internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước). Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).

Với những con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet và tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.

Nhờ hạ tầng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử. Đó là những minh chứng sinh động, thuyết phục về tự do internet ở Việt Nam.