Cụ thể, chương trình giảng dạy đối với lớp 10 có nội dung “Một số hiểu biết về an ninh mạng”. Theo đó, yêu cầu cần đạt đối với học sinh là: Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng... Trong chương trình lớp 12, các em được trang bị một số hiểu biết về chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; yêu cầu cần đạt là các em nêu được một số nội dung cơ bản về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đối với cách mạng Việt Nam; biết cách phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch tại địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin trên các trang mạng xã hội.
Có thể thấy những nội dung giảng dạy trên đây là rất cần thiết đối với học sinh cấp THPT, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với khoảng 70% dân số sử dụng in-tơ-nét, trong đó giới trẻ chiếm số lượng áp đảo, Việt Nam đang dẫn đầu Đông - Nam Á về tỷ lệ người dùng hệ thống thông tin toàn cầu qua các thiết bị điện tử kết nối mạng và là một trong 15 quốc gia có số người dùng điện thoại thông minh (smartphone) cao nhất thế giới. Mạng xã hội đã và đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với người trẻ. Họ sử dụng mạng mọi lúc mọi nơi cho nhiều mục đích khác nhau nhưng việc sử dụng sao cho đúng cách, hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Thực tế không ít người trẻ bị mạng xã hội dẫn dắt, tin, nghe theo những thông tin xấu độc, có những phát ngôn và hành vi trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật. Không ít vụ “đánh hội đồng” trên mạng trở thành cuộc “trả nợ máu” ngoài đời thực gây chấn động xã hội, là bài học đau xót về mặt trái của mạng xã hội. Không ít người trở thành nạn nhân của mạng xã hội, bị lôi kéo vào các trò chơi độc hại, thông tin cá nhân bị kẻ xấu khai thác, lợi dụng và vô tình trở thành công cụ để kẻ xấu dẫn dắt, khống chế để rồi có người phải tìm đến cái chết. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người trẻ, thời gian gần đây, một số phần tử cực đoan, thù địch đã tổ chức những chiến dịch hướng đến đối tượng này hòng lôi kéo, dụ dỗ họ đi theo con đường mà chúng vẽ ra, gieo cấy sự hoài nghi về lịch sử dân tộc và công lao của thế hệ cha ông, mất niềm tin vào chế độ,... từ đó chúng sử dụng họ để hòng tiến công vào Đảng, Nhà nước ta.
Có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Song trên thực tế, không ít người, đặc biệt là giới trẻ vẫn chủ quan, coi thường, đề cao tự do cá nhân khi tham gia các diễn đàn mạng. Họ tùy tiện đăng tải các nội dung, hình ảnh có tính chất miệt thị, nói xấu người khác, phát tán tin sai sự thật... Để sử dụng mạng một cách hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em rất cần được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản về vấn đề này để từ đó không chỉ tự bảo vệ được bản thân và cộng đồng mà còn có thể phát huy vai trò tích cực trên không gian mạng.