Sử dụng mạng xã hội để góp phần giữ gìn an ninh trật tự

Với gần 76 triệu người sử dụng mạng xã hội (tương đương 73,7% dân số), Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở mức cao trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Sử dụng mạng xã hội để góp phần giữ gìn an ninh trật tự

Ðối với nhiều người sử dụng mạng xã hội dần trở thành nhu cầu không thể thiếu, hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, kinh doanh, kết nối với cộng đồng, cung cấp thông tin... Ðáng chú ý thời gian qua ngày càng có nhiều người dân chủ động dùng mạng xã hội để tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Tại nhiều khu dân cư, tổ dân phố, người dân đã biết khai thác các tính năng ưu việt của mạng xã hội như thông tin nhanh, hình ảnh chân thực, liên kết được nhiều người,... từ đó đã lập ra các hội nhóm để trao đổi về tình hình hoạt động của dân cư trên địa bàn, phổ biến các chủ trương, văn bản mới ban hành, đồng thời phản ánh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, dấu hiệu của tội phạm để cảnh báo tới các thành viên.

Trong khi việc sử dụng các trang mạng xã hội cho công tác giữ gìn an ninh trật tự tại các khu dân cư phần nhiều còn mang tính tự phát thì tại không ít tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã cho thấy sự chủ động, kiên quyết trong việc triển khai các trang mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ hơn một năm qua, Công an thành phố đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội thuộc các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện và 52 trang, hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội của công an cấp phường, xã nhằm tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tuyên truyền các quy định pháp luật, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm và hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính.

Sau hơn một năm vận hành, các trang, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận các thông tin từ người dân tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng đã tiếp nhận hơn 3.000 tin báo về các sự việc trộm cắp, tai nạn giao thông, cấp cứu y tế, hành vi vi phạm pháp luật khác do người dân gửi đến thông qua các trang mạng xã hội. Nhiều trang có lượng tương tác cao, thu hút hàng triệu lượt người xem, vì vậy đã phát huy tốt vai trò góp phần định hướng dư luận trước các sự việc, hiện tượng phức tạp mới nảy sinh. Cũng qua kênh thông tin hữu dụng này, nhiều vụ vi phạm pháp luật đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Việc kết nối, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân được thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện.

Còn tại Hà Nội, từ năm 2019, công an thành phố đã xây dựng kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô qua Facebook. Ðồng thời tại cơ sở, lực lượng công an khu vực cũng tích cực triển khai kênh thông tin trên các trang mạng xã hội để tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Các hình thức này được đánh giá là có vai trò rất quan trọng góp phần đưa công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phạm tội ngày càng sâu sát thực tế, tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tố giác tội phạm một cách thuận tiện, an toàn. Khi có nguồn tin thông qua các trang mạng xã hội, lực lượng công an nhanh chóng tiến hành phân loại, xác minh, nếu có cơ sở, chính danh thì giải quyết theo quy định. Các trường hợp đưa tin sai, có hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác cũng sẽ được cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, nếu biết khai thác lợi thế của mạng xã hội, huy động được sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp và cơ quan có liên quan; kêu gọi được sự tham gia, phát huy ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thời gian tới, công tác này cần được các địa phương tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả hơn nữa trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm.