Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng hạ tầng giao thông

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hiện nay, dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang đồng loạt thi công, cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng được chuẩn bị triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả thi công hầm Thung Thi, hạng mục phức tạp thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45.
Nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả thi công hầm Thung Thi, hạng mục phức tạp thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông đã gặp nhiều khó khăn về biến động giá vật liệu, đơn giá, định mức, quy hoạch mỏ vật liệu, bãi đổ thải chưa phù hợp,... Việc này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các dự án, cũng như gây thiệt hại cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Đơn giá, định mức chưa phù hợp

Theo TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), về công tác lập định mức, nhiều hạng mục, công việc chưa được xây dựng định mức hoặc đã được xây dựng trước đó nhưng Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức xây dựng không cho phép vận dụng.

Dẫn chứng, các bộ định mức về lắp đặt neo SN, IBO trong hầm, công tác đắp nền đường bằng đá hỗn hợp, sản xuất đá dăm từ đá tận dụng trong đào hầm, đào hầm ngang trong đất,... tuy đã được Bộ Xây dựng chấp thuận áp dụng tại dự án hầm Đèo Cả, hầm cao tốc Nội Bài-Lào Cai nhưng không được ban hành chính thức. Hệ thống định mức thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, nhà thầu phải tự bỏ ra chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

Trên cơ sở định mức quản lý dự án được Bộ Xây dựng ban hành, có chi phí quản lý dự án thấp, nhất là các dự án có quy mô lớn, kéo dài hoặc liên quan đến nhiều địa phương. Hiện nay, chi phí quản lý dự án thường phải huy động nguồn vốn gấp 2 đến 4 lần so với định mức. “Đối với tư vấn giám sát, chi phí tư vấn giám sát theo định mức được Bộ Xây dựng ban hành cũng rất thấp. Thực tế để lập hồ sơ mời thầu thực hiện giám sát thì chi phí tăng gấp 2-3 lần”, TS Trần Chủng nêu bất cập trong thực tế.

Ngoài ra, đơn giá nhân công, ca máy công bố chậm, thiếu cập nhật theo đơn giá thị trường. Thí dụ, việc thi công cọc khoan nhồi, giá ca máy do Nhà nước ban hành chưa tới 13,1 triệu đồng/ca, nhưng thực tế báo giá của các đơn vị cho thuê thiết bị lên tới 33 triệu đồng/ca; nhân công chỉ 225 nghìn đồng/ngày, nhà thầu phải trả từ 500-650 nghìn đồng/ngày.

Đối với ca 3, nhà thầu phải trả chi phí bằng 1,3 lần tiền công ca ngày. Các dự án đầu tư công, chủ đầu tư quy định tỷ lệ tạm giữ trong hợp đồng cao hơn quy định hiện hành. Tại dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 1, nhà thầu bị tạm giữ 5% giá trị chờ bảo hành và 2% chờ quyết toán, trong khi quy định chỉ giữ tối thiểu 3% chờ bảo hành cho công trình cấp đặc biệt, cấp 1.

Tuy có quy định về việc thưởng, phạt hợp đồng nhưng chủ đầu tư chỉ quy định mức phạt khi chậm hợp đồng, chậm hồ sơ quyết toán, bỏ qua quy định thưởng trong trường hợp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình sớm. Nhà thầu hoàn thành sớm thì chi phí về thời gian khấu hao cũng bị cắt, không được thanh toán. Vướng mắc này dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết, song đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể, gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp.

Gỡ vướng cho các công trình

Một thực tế bất cập là việc xác định bãi thải, mỏ vật liệu chưa có quy định phù hợp trong các bước thiết kế, dẫn tới tình trạng khi thi công, không có bãi thải, phải phát sinh thủ tục làm bãi thải mới, khan hiếm nguồn vật liệu, giá cả vật liệu tăng cao. Các mặt bằng để thi công như trạm trộn, bãi trữ vật liệu, bãi đúc dầm và kho vật liệu nổ công nghiệp (đối với công trình hầm) không được quan tâm, tư vấn chỉ sơ họa, tính thiếu. Trong quá trình thi công, phát sinh việc phải giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí, gây chậm tiến độ, thiệt hại cho nhà thầu.

Trong thời gian qua, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao khi nhiều dự án đường cao tốc đồng loạt triển khai. So đầu năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 60%, hiện đang ở mức khoảng 20%; giá nhựa đường trước đây 11.287 đồng/kg, nay là 17.800 đồng/kg, giá dầu DO 12.420 đồng/lít, nay là 26.830 đồng/lít.

Các nguyên, vật liệu chính tăng cao, dẫn đến giá gói thầu tăng trung bình từ 18 đến 30%. Các gói thầu thuộc dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, mặc dù hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ Giao thông vận tải quy định việc điều chỉnh giá, tuy nhiên việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do phải tuân thủ hợp đồng đã ký.

Các nhà thầu kỳ vọng thông qua dự án trọng điểm sẽ nâng tầm doanh nghiệp trong nước, nhưng trong bối cảnh này càng làm càng lâm vào cảnh khó khăn. Một số địa phương triển khai dự án lớn, chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng theo đơn giá cố định, không được điều chỉnh giá, khi xảy ra “bão giá” gây ra tình trạng nếu nhà thầu tiếp tục thi công thì lỗ nặng, còn không thì chỉ thi công cầm chừng, làm chậm tiến độ, chậm đưa công trình vào khai thác, giảm hiệu quả đầu tư dự án,…

VARSI đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc trên và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp giá thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình, làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng.

Các địa phương cần chủ động quy hoạch mỏ dành riêng cho dự án và giao chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) thực hiện thủ tục mở mỏ, giao cho nhà đầu tư/nhà thầu vào thực hiện khai thác, bảo đảm không bị nâng giá vật liệu đất đắp, tính đúng và đủ chi phí vào dự toán gói thầu. Việc giải phóng mặt bằng cần được địa phương triển khai sớm hơn, từ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi hướng tuyến đã cơ bản được xác định để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng khi lựa chọn xong nhà đầu tư/nhà thầu.

* Trong bối cảnh hiện nay, VARSI kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp các đơn vị tư vấn chuyên ngành xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án đặc thù như cao tốc bắc-nam giai đoạn 1, giai đoạn 2. Hợp đồng theo đơn giá cố định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù được điều chỉnh giá đối với một số vật tư chính để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu”, Chủ tịch VARSI Trần Chủng kiến nghị.

Các nhà thầu, doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Xây dựng rà soát, ban hành bổ sung định mức còn thiếu, cập nhật công nghệ mới, các hệ số an toàn, công tác bảo dưỡng thiết bị vào các định mức; cập nhật đơn giá ca máy, nhân công, định mức quản lý dự án, tư vấn giám sát phù hợp thực tế. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện đúng quy định về tỷ lệ tạm giữ trong hợp đồng và bổ sung quy định về mức thưởng trong hợp đồng.