Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2018 các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại đều tăng trưởng so cùng kỳ, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,15%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 14,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 13,14%. Công tác quản lý Nhà nước được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, có sự phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan. Các khu công nghiệp ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu và thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư có quy mô, công nghiệp hiện đại. Năm 2018, Cần Thơ có 6.350 cơ sở và 932 doanh nghiệp công nghiệp với 65 nghìn lao động; 23 dự án của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số vốn thực hiện hơn 256,33 triệu USD.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, năm 2019, ngành công thương TP Cần Thơ phấn đấu đạt chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,2% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 8,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; cung cấp nước và quản lý xử lý rác thải tăng 6,3%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ phấn đấu đạt 132.862 tỷ đồng, tăng 10,25% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ ngoại tệ phấn đấu đạt 2.200 triệu USD, tăng 8,91% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu phấn đấu đạt 480 triệu USD.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cảm ơn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã quan tâm chỉ đạo phát triển các dự án trung tâm logistic Cần Thơ. Tuy nhiên, đồng chí Võ Thành Thống kiến nghị Bộ trưởng hỗ trợ Cần Thơ phát triển logistic hàng không.
“Cần Thơ là trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng sản xuất nông nghiệp, nông sản trọng điểm của cả nước. Bên cạnh việc đầu tư phát triển công nghệ bảo quản nông sản, cũng rất cần được vận chuyển nhanh. Hiện, sân bay quốc tế Cần Thơ đang tiếp tục được mở thêm nhiều đường bay mới với nhiều hãng hàng không cùng vào khai thác. Bên cạnh việc vận chuyển hành khách thì vận chuyển hàng hoá cũng là một nhu cầu lớn”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành công thương TP Cần Thơ trong thời gian qua. Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị của TP Cần Thơ và giao cho các vụ liên quan nghiên cứu, báo cáo, tìm giải pháp hỗ trợ.
“Cần Thơ có tiềm năng rất lớn về kinh tế nông nghiệp, những vùng sinh thái để phát triển du lịch cần phải được khai thác tương xứng. Các đối tác là nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất muốn đến Cần Thơ để đầu tư, kết nối. Nhất là các ngành công nghiệp chế biến, điều mà các đối tác nước ngoài cũng mong muốn được tìm hiểu, kết nối đầu tư với Cần Thơ. Cần Thơ ở thời điểm hiện tại với kết cấu kinh tế đã thể hiện rõ vai trò thành phố động lực trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều chương trình làm việc của Cục Công nghiệp từ thực tiễn của TP Cần Thơ để xác định yêu cầu, mục tiêu và tính khả thi để phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Công thương cũng đánh giá cao mong muốn của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về một trung tâm thương mại Aeon từ tập đoàn Aeon Nhật Bản, để có thêm kênh phân phối hàng hoá nông sản, thuỷ sản của Cần Thơ và cả vùng. Bộ Công thương đã thống nhất hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản như rau quả, trái cây và sẽ thực hiện tại Cần Thơ. Bởi Nhật Bản là thành viên của Hiệp định CPTPP nên Việt Nam và Cần Thơ sẽ có nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới.