Kiến nghị bỏ quy định giá trần vé máy bay

Lâu nay, giá trần vé máy bay bên cạnh mục đích giám sát, điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng thì ở một góc độ khác nhiều ý kiến đã coi đây như "vòng kim cô" đè nặng lên vai các hãng bay. Vì thế, trong bối cảnh các hãng hàng không thua lỗ liên miên như hiện tại, nhiều người đã đề xuất ý kiến Nhà nước nên bỏ quy định giá trần vé máy bay nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách mua vé máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Hành khách mua vé máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc bỏ quy định giá trần sẽ là bước ngoặt căn bản, cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và theo đúng hướng kinh tế thị trường. Khi bỏ quy định giá trần, ngoài việc cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng và phù hợp định hướng phát triển, các hãng hàng không sẽ được chủ động cân nhắc mức giá sao cho thị trường chấp nhận.

Hãng bay giảm doanh thu, lợi nhuận

Theo Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành, năm 2022, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa tăng 13% so với năm 2019, tuy nhiên, tổng sản lượng bay quốc tế tương ứng chỉ đạt 50%. Các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới chi phí đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do, nhưng nội địa lại bị kiểm soát, nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa. Bất hợp lý của ngành hàng không là đang phải lấy mảng dịch vụ quốc tế để nuôi mảng dịch vụ nội địa. Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa được quy định bởi Luật Hàng không, có giá trần, giá sàn.

Theo quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức), tương ứng các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Một đường bay nội địa có từ ba hãng hàng không tham gia khai thác, các hãng được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, điều chỉnh giá theo thực tế yếu tố đầu vào trên cơ sở đúng quy định pháp luật. "Theo quan điểm của chúng tôi, nên bỏ quy định mức giá trần với những đường bay có từ ba hãng khai thác trở lên và vẫn duy trì sự quản lý nhà nước nếu đường bay nào chỉ có một hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà góp phần đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng", ông Quân nêu quan điểm.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không nhận xét, quy định giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là vấn đề hết sức vô lý, cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Trên thế giới không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần với mô hình tương tự như Việt Nam bởi hầu hết các nước đều để thị trường tự điều tiết giá vé. Việc áp dụng giá trần đã tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của hãng bay trong giai đoạn cao điểm, trong đó, cao điểm Tết Nguyên đán chỉ đông một chiều, chiều còn lại vắng khách.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, có năm nguyên nhân lớn gây khó khăn về tài chính cho các hãng hàng không, gồm dịch bệnh, suy thoái kinh tế, quá tải sân bay, cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt; và cuối cùng là giá nguyên nhiên liệu, chi phí đầu vào, tỷ giá, lãi suất tăng cao, trong khi cơ chế điều hành chưa theo kịp thị trường.

Cần công thức điều hành giá mới

Làm rõ hơn về khoảng cách giữa cơ chế định giá và thực tiễn ứng dụng trong ngành hàng không, Giáo sư Trần Thọ Ðạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra rằng giá dịch vụ hàng không có sự khác biệt với giá hàng hóa thông thường. Giá dịch vụ hàng không, xét về mặt cấu trúc tạo nên chi phí thì phức tạp, và các yếu tố này có biến động ngoài tầm kiểm soát của các hãng, thí dụ như giá nhiên liệu, tỷ giá, giá nhân lực,... Vì thế, sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần, thay bằng một công thức điều hành giá đủ rộng, bảo đảm mức độ cạnh tranh phù hợp. Ðể ngành hàng không có những bước đi vững chắc trong việc tháo bỏ cơ chế giá, ông Ðạt khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước, để bảo đảm các hãng phát triển bền vững. Việt Nam có 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, nhu cầu di chuyển trong nước và nước ngoài có xu hướng tăng mạnh, hội đủ điều kiện để các hãng bay Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực. Ðể làm được điều này, cần có cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng phát triển, tiếp nữa là phải bảo đảm quyền lợi của người dân được tiếp cận giá dịch vụ chấp nhận được.

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các hãng hàng không, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, Nguyễn Mạnh Quân đưa ra ba nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa, bỏ giá trần trong dài hạn và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn. Trong tám năm vừa qua, nhiều số liệu cho thấy sự chênh lệch trong điều kiện đầu vào của giá vé máy bay. Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỷ giá tăng 68%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%, cùng các yếu tố khác về chi phí, nhân sự. Thêm vào đó, 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng ngoại tệ, biến động theo tỷ giá,... "Giá trần từng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam, đến nay vai trò đó đã hoàn thành. Các đường bay có nhiều hãng hàng không khai thác, nên trả về cơ chế thị trường điều tiết", ông Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.

Ðại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, nước ta đang có sáu hãng hàng không khai thác, việc áp giá trần đến thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp thực tế cũng như thông lệ thị trường hàng không của tất cả các nước trên thế giới. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không và theo đúng hướng kinh tế thị trường. Luật Cạnh tranh đã quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cơ chế này chỉ hỗ trợ linh hoạt nhằm giãn biên độ dải vé phù hợp thị trường, đồng thời giúp hãng chủ động có điều chỉnh kịp thời khi giá nhiên liệu biến động. Do đó, các hãng bay không được "bắt tay nhau" thao túng giá vì như vậy là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, mỗi hãng hàng không lại có một định hướng phát triển khác nhau, trong bối cảnh cạnh tranh khá quyết liệt ở thị trường nội địa, việc đồng loạt tăng giá là không khả thi.

Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho năm nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6 triệu-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ ba hãng trở lên, nhằm giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.