Kiên Giang tạo nền tảng vững chắc để thu hút đầu tư

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 với chủ đề “Kiên Giang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư bền vững” sẽ diễn ra vào ngày 29-7, là cơ hội để tỉnh Kiên Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chủ trương, định hướng phát triển lớn của tỉnh, cũng như tiềm năng và cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực. Trước thềm hội nghị quan trọng này, đồng chí PHẠM VŨ HỒNG, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã dành cho Báo Nhân Dân cuộc phỏng vấn về một số vấn đề liên quan.

Một góc Khu đô thị mới lấn biển (TP Rạch Giá).
Một góc Khu đô thị mới lấn biển (TP Rạch Giá).
Kiên Giang tạo nền tảng vững chắc để thu hút đầu tư ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phạm Vũ Hồng.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Kiên Giang là một tỉnh có tiềm năng, lợi thế bậc nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vậy thời gian qua Kiên Giang đã khai thác tiềm năng, lợi thế này ra sao để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Đồng chí Phạm Vũ Hồng: Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL, có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ 2 trong số 13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái-lan, Kiên Giang có bờ biển dài hơn 200 km, vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền của tỉnh và có đường biên giới giáp nước bạn Cam-pu-chia dài hơn 58 km với Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng một số cửa khẩu quốc gia đã giúp cho Kiên Giang có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thông đường biển, trên bộ nội vùng và với các nước trong khu vực Đông - Nam Á. Biển gắn liền với đảo, Kiên Giang có hơn 137 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc có diện tích xấp xỉ đảo quốc Xin-ga-po đang phát triển rất tốt. Những quần đảo như: Bà Lụa, Hà Tiên, Nam Du, An Thới nhiều người ví nơi đây như là Hạ Long của phương Nam, nên tiềm năng phát triển du lịch biển đảo của tỉnh Kiên Giang còn rất lớn. Ngoài ra, Kiên Giang còn có vùng đồng bằng rộng lớn, có hai vườn quốc gia, trong đó Vườn Quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar thứ tám của Việt Nam.

Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng có, cùng với sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Kiên Giang đã có sự phát triển ấn tượng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến nay, chỉ tính riêng tại huyện đảo Phú Quốc còn 304 dự án đầu tư còn hiệu lực, cỡ dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh với vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động; 70 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 158.031 tỷ đồng. Lượng khách đến Kiên Giang liên tục tăng, trong sáu tháng đầu năm 2019 với gần 4,3 triệu lượt du khách; thu ngân sách cũng đạt hơn 6.000 tỷ đồng… Kiên Giang trở thành một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là đối với thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

PV: Theo như đánh giá của tỉnh, giữa tiềm năng, lợi thế và sự phát triển của Kiên Giang trong thời gian qua chưa tương xứng nhau, vậy nguyên nhân do đâu?

Đồng chí Phạm Vũ Hồng: Đánh giá như thế là chính xác. Kiên Giang có quá trình phát triển rất tốt, tuy nhiên tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác và phát huy đúng mức, gây ra những lãng phí không hề nhỏ. Trong phát triển, vẫn còn bộc lộ những bất cập, đó là: Sự phát triển kinh tế chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào Phú Quốc và TP Rạch Giá, trong khi Kiên Giang còn rất nhiều tiềm năng về kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch ở các vùng như: Hà Tiên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Hải… nhưng chưa được khai thác đúng mức. Cụ thể, với ngư trường rộng lớn và đội tàu nhiều nhất cả nước (gần 11.000 chiếc, công suất trung bình 400 CV/chiếc), sản lượng khai thác thủy sản hằng năm hơn 500.000 tấn, việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt còn theo truyền thống nên chất lượng thủy sản chưa cao, đủ chuẩn để xuất khẩu chỉ đạt hơn 20%. Đáng kể nhất là liên kết chuỗi giá trị từ đánh bắt, bảo quản và chế biến chưa được chú trọng nên giá trị, hiệu quả của ngành đánh bắt thủy sản còn rất thấp.

Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu với hơn 24 dự án đã và đang triển khai, nhưng mới chỉ tập trung ở hai khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) và Thuận Yên (TP Hà Tiên). Trong khi Kiên Giang có đến năm khu công nghiệp và hệ thống các cụm công nghiệp địa phương đã cơ bản đáp ứng điều kiện triển khai dự án, nhất là đối với các ngành, nghề chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhưng vẫn đang chờ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Kiên Giang đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư trên lĩnh vực xử lý môi trường: nước thải, chất thải cho các khu đô thị, vùng du lịch trọng điểm, khu dân cư. Việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là tại các xã đảo để thay thế cho các máy phát điện đi-ê-den hiện hữu là giải pháp tối ưu nhưng Kiên Giang cũng đang gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự chênh nhau, đó là về địa hình, Kiên Giang nằm ở xa các trung tâm đô thị lớn, hạ tầng giao thông chưa được kết nối và đồng bộ. Cơ sở hạ tầng trong tỉnh có phát triển nhưng nhanh chóng lạc hậu và quá tải. Các tuyến đường từ trung tâm của tỉnh về các huyện đã quá tải, cầu yếu. Nguồn điện lưới quốc gia cung cấp cho đảo Phú Quốc đã sử dụng hết 80% công suất và chỉ đủ đến năm 2020. Nguồn nhân lực có nâng lên về trình độ, tay nghề nhưng chưa đáp ứng kịp quá trình phát triển, công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm…

PV: Để rút ngắn độ chênh, hiện tại và thời gian tới Kiên Giang sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề gì?

Đồng chí Phạm Vũ Hồng: Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhận thức rằng, để khắc phục được độ chênh, trước tiên phải tìm biện pháp để khai thác mạnh mẽ, đồng đều hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bởi Kiên Giang muốn phát triển bền vững, điều cơ bản là phải dựa vào nguồn lực nội tại, và quan trọng là phải thu hút được nguồn lực từ bên ngoài để tạo đột phá. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn hiểu rằng, để huy động được nguồn lực từ bên ngoài, không có giải pháp nào tốt hơn là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ “nút thắt” về thủ tục hành chính, hoàn chỉnh khung pháp lý để giúp nguồn lực bên ngoài được giải phóng trong thời gian ngắn nhất thông qua các dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn. Để làm được điều này, các cấp chính quyền sẽ nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, đưa Trung tâm Dịch vụ hành chính công cấp tỉnh vào hoạt động.

Cùng với đó, phát huy hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện có như: quốc lộ 63, cầu Vàm Cống, cảng biển An Thới, Vịnh Đầm, sân bay Rạch Giá, sân bay Phú Quốc… Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai như: quốc lộ 80 mới - đường Lộ Tẻ - Vàm Cống, cảng biển Hòn Chông (huyện Kiên Lương), Dương Đông (huyện Phú Quốc)… Tôi cho rằng, đây chính là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với các dự án mà Kiên Giang đang cần. Chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Kiên Giang những cơ hội đầu tư mới hết sức hấp dẫn, đáp ứng điều kiện triển khai ngay và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất. UBND tỉnh Kiên Giang rất mong nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về môi trường đầu tư của địa phương. Đó có thể là về các dự án cụ thể hoặc các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Kiên Giang. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tốt hơn, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

PV: Xin đồng chí cho biết số lượng dự án, các lĩnh vực mà Kiên Giang kêu gọi đầu tư và đâu là sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh ?

Đồng chí Phạm Vũ Hồng: Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Kiên Giang đã lựa chọn 118 danh mục dự án lớn ưu tiên mời gọi đầu tư, trong tổng số hơn 200 danh mục dự án mà tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong số 118 danh mục dự án tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng vào ba lĩnh vực chính, đó là: du lịch - dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng. Theo cơ cấu kinh tế, lĩnh vực du lịch - dịch vụ đứng đầu, và hiện nay đang bước vào giai đoạn phát triển. Đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng trong 10 năm sẽ vượt qua lĩnh vực nông nghiệp. Trong phát triển công nghiệp, Kiên Giang tập trung vào lĩnh vực chế biến nông - thủy sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Về xây dựng, Kiên Giang sẽ tập trung vào các đô thị ven biển, định hướng trở thành đô thị kiểu mẫu của cả vùng ĐBSCL, vì chỉ có Kiên Giang mới có đô thị ven biển như: Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương. Về nông nghiệp, Kiên Giang tập trung vào các dự án nuôi trồng thủy sản. Đối với lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, Kiên Giang cũng còn tiềm năng khá lớn. Đây sẽ là lĩnh vực tạo sự chuyển dịch lớn của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị để dần hình thành nền nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo danh mục 118 dự án mà tỉnh Kiên Giang kêu gọi đầu tư, tập trung trên các lĩnh vực: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 19 dự án, sản xuất công nghiệp có 17 dự án, về môi trường có tám dự án, giao thông vận tải 23 dự án, hạ tầng kỹ thuật khu - cụm công nghiệp có 16 dự án, nhà ở và phát triển đô thị có 11 dự án, thương mại có 5 dự án, nước nông thôn có 3 dự án và lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo có 2 dự án.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019, Trung tâm đã vận động được 18 doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và đã tiến hành khảo sát thực tế tại 23 dự án thuộc các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, môi trường, thương mại, chế biến sản xuất nông nghiệp, bất động sản, với tổng vốn đăng ký 11.299 tỷ đồng.