Kiên Giang nâng cao năng lực, chất lượng vận tải thủy

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng vận tải thủy, nhất là các tuyến từ bờ ra đảo, bảo đảm nhu cầu phát triển biển, đảo.

Phương tiện vận tải đường thủy chở khách và hàng hóa từ TP Rạch Giá đến đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Phương tiện vận tải đường thủy chở khách và hàng hóa từ TP Rạch Giá đến đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Toàn tỉnh có 173 tuyến vận tải với 5.802 phương tiện vận chuyển khách và hàng hóa; trong đó, đường bộ 122 tuyến, đường thủy nội địa 45 tuyến, đường biển sáu tuyến. Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa hằng năm bình quân tăng từ 9 đến 11%.

Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, đúng quy hoạch, đúng tiến độ. UBND tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi qua địa bàn tỉnh. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án này đạt khoảng 55%; công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành toàn bộ 27 km. Các tuyến đường tỉnh có tổng kinh phí xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 2.504 tỷ đồng; đã triển khai đầu tư xây dựng 37 trong số 236 km đường và 725 trong số 4.404 m cầu. Hệ thống đường huyện, thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng 53 trong số 115 km đường và 300 trong số 1.880 m cầu. Tỉnh tập trung xây dựng các tuyến đường nông thôn, kết hợp thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết nối hợp lý với mạng lưới đường tỉnh và quốc lộ. Từ năm 2016 đến nay, tổng các nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển giao thông nông thôn là 1.158 tỷ đồng, toàn tỉnh có 5.584 km đường giao thông nông thôn được nhựa và bê-tông hóa, đạt 78,84%.

Tỉnh đang cần nguồn kinh phí để bảo trì đường bộ do Trung ương quản lý; cải tạo, sửa chữa thảm bê-tông nhựa từng đoạn và thoát nước mặt đường các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng thay thế các cầu đã xuống cấp trên tuyến quốc lộ 80; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Kiên Giang; bố trí vốn Trung ương để hoàn thành các hạng mục Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc…

* Bến Tre phát triển các hợp tác xã nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn, tạo động lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đến nay, Bến Tre đã thành lập được 136 hợp tác xã, với hơn 37.000 thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 268 tỷ đồng; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản chiếm gần 70% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã được thành lập với số xã viên tham gia rất cao; khi thành lập đã có liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp và tổ chức hoạt động hiệu quả, điển hình như: Hợp tác xã bưởi da xanh Mỹ Thạnh An; Hợp tác xã nông nghiệp Phú Nông; Hợp tác xã nông nghiệp Phú Túc; Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phong; các hợp tác xã thủy sản...

Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển và có sự chuyển biến tích cực. Bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất ngày càng tăng, sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng thực hiện khá tốt.

Năm nay, tỉnh Bến Tre phấn đấu thành lập mới 30 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký là 166 hợp tác xã. Tỉnh tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã hiện có, xây dựng, phát triển các hợp tác xã mới, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt các chính sách phát triển hợp tác xã, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đào tạo, xúc tiến thương mại...