Kiên Giang: Đóng từ 9 đến 11 cửa van của cống Cái Lớn để ngăn mặn

NDO - Cống Cái Lớn ở Kiên Giang sẽ cho vận hành từ 9 đến 11 cửa van để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cống ngăn mặn Cái Lớn đóng từ 9 đến 11 van để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn cũng như bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Cống ngăn mặn Cái Lớn đóng từ 9 đến 11 van để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn cũng như bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Theo Tổ Quản lý nước và công trình, chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam), trong 2 ngày 15 và 16/3, đơn vị sẽ cho vận hành từ 9 đến 11/11 cửa van của cống Cái Lớn, cống Cái Bé để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn cũng như bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Ông Trần Trung Khánh, Phụ trách Tổ quản lý nước và công trình, chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, trước mùa khô năm 2023-2024, đơn vị đã phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch vận hành các công trình, hằng tháng có kế hoạch chi tiết vận hành.

Riêng trong đợt mặn cao điểm từ tháng 3 đến tháng 4, ngoài kế hoạch đã có, đơn vị còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang; Đài Khí tượng thủy văn theo dõi sát nguồn nước, điều chỉnh kế hoạch vận hành cho phù hợp thực tế.

Theo ông Khánh, trước khi đóng 9-11/11 cửa van vào 2 ngày 15 và 16/3, đơn vị cho vận hành kiểm tra trước các hạng mục công trình, bảo đảm thiết bị ổn định. Việc vận hành này phụ thuộc tình hình xâm nhập mặn thực tế. Đơn vị cũng dựa trên quan trắc để có kế hoạch vận hành.

Cụ thể, từ cống Cái Bé, cống Cái Lớn vào phía thượng lưu có 5 trạm quan trắc, trong đó 1 trạm khống chế cách cống khoảng 40km nằm ở ranh tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang để kiểm soát độ mặn không được vượt ngưỡng 1‰.

Từ đầu mùa khô, Tổ Quản lý nước và công trình, chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long, đã vận hành kiểm soát 7/11 cửa, riêng ngày 7/3 vừa qua độ mặn cao nên đóng 9/11 cửa. Trong quá trình kiểm soát mặn, các phương tiện thủy đi theo cửa âu thuyền.

Việc vận hành nhằm kiểm soát nguồn nước, bảo đảm duy trì môi trường bên trong ổn định cho các mô hình sản xuất, hệ sinh thái bên trong phát triển hài hòa. Ngoài ra, phải bảo đảm lưu thông qua công trình an toàn, duy trì dòng chảy môi trường thuận lợi, phục vụ sản xuất.

Kiên Giang: Đóng từ 9 đến 11 cửa van của cống Cái Lớn để ngăn mặn ảnh 2
Các van cống Cái Lớn vận hành để ngăn xâm nhập mặn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 3 và tháng 4/2024 và khả năng kết thúc muộn, mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ cuối tháng 2 đến nay, độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,3 đến 12 phần ngàn và cao hơn trung bình nhiều năm từ 2,3-7 phần ngàn.

Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu khoảng 52km (cách cầu Cái Tư khoảng 3km về phía hạ lưu). Trên sông Cái Bé, độ mặn 4 phần ngàn xâm nhập sâu khoảng 11km (cống Cái Bé, xã Bình An, huyện Châu Thành).

Ông Trung cho biết, việc phối hợp vận hành các công trình Cái Lớn, Cái Bé cùng các hệ thống công trình dọc đê biển Tây do Chi cục Thủy lợi Kiên Giang quản lý khai thác để bảo đảm duy trì cho môi trường sản xuất bên trong với diện tích hơn 384.000 ha vùng nước lợ.