Ngày 6/10, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thống Nhất cho biết, đợt dịch lần thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang.
Trong tháng 7, các chỉ tiêu bắt đầu giảm: Giải ngân vốn đầu tư giảm 39%, doanh thu dịch vụ du lịch giảm sâu (-34%), giá trị sản xuất thủy sản giảm 4,2%, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 17%, sản lượng nông thủy sản tồn hơn 2.200 tấn, thu ngân sách giảm 59%, thương mại - dịch vụ giảm 27%, xuất khẩu giảm 13%...
Tác động đó làm cho GRDP của tỉnh trong 9 tháng chỉ đạt 48.622 tỷ đồng (66,52% kế hoạch năm), giảm 3,18% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, vì không bố trí được phương án sản xuất theo quy định. Một số doanh nghiệp có khả năng duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách, nhưng năng lực sản xuất chỉ đạt từ 20-30% so với thời điểm sản xuất bình thường. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, lưu kho, lưu bãi tăng cao, hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giới thiệu sản phẩm tại các nước không thực hiện được...
“Công tác triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt thấp, chưa bảo đảm theo tiến độ UBND tỉnh giao. Đến ngày 30/9, giá trị giải ngân vốn chỉ đạt 1.868 tỷ đồng, bằng 35,92% kế hoạch. Nguyên nhân do nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16 nên có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thi công, giải ngân vốn. Tính từ tháng 7 đến ngày 15/9, toàn tỉnh chỉ giải ngân được thêm 5,02%”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thống Nhất cho biết.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang Lê Việt Bắc, một công trình giao thông phải đi qua nhiều địa phương, nhưng mỗi địa phương lại “độc lập” trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nên việc đi lại rất khó khăn.
“Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch, nhưng con người di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác còn rất khó khăn nên nhiều công trình vẫn chưa triển khai thi công trở lại. Cần có một quy định thống nhất giữa các địa phương để giải tỏa những ách tắc”, ông Lê Việt Bắc nêu thực trạng.
Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng dương, Kiên Giang cần bám vào trụ đỡ là ngành nông nghiệp, phấn đấu vượt sản lượng lúa 4,5 triệu tấn, thủy sản hơn 800.000 tấn, trong đó tôm hơn 100.000 tấn; đồng thời cần quan tâm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp từng bước ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các dự án, thực hiện các giải pháp điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.