Sáng 22/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang tổ chức họp sơ kết tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã thông qua Quyết định quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Kiên Giang giữ nguyên các tiêu chí dịch do Chính phủ và Bộ Y tế quy định. Đối với việc đánh giá cấp độ dịch, tỉnh Kiên Giang có mở rộng đánh giá cấp độ dịch đến địa bàn ấp, khu phố và giao quyền cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ này.
“Hằng tuần, Sở Y tế phải cập nhật cấp độ dịch cho từng xã, phường, thị trấn. Chính quyền cơ sở cập nhật cho ấp, khu phố trên địa bàn. Việc công bố chuyển đổi cấp độ dịch phải thông báo trước từ 48 giờ (trừ trường hợp khẩn cấp) để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị trước khi áp dụng”, ông Nguyễn Lưu Tung lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo Công an tỉnh dỡ bỏ tất cả các chốt kiểm soát phòng chống dich trên đường thủy. Đối với các chốt trên đường bộ tại các cửa ngõ đi vào tỉnh chỉ giữ lai một số chốt chính để làm nhiệm vụ tiếp đón người dân từ vùng dịch trở về tỉnh. Các chốt này không được ngăn chặn, kiểm soát việc lưu thông vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh cho biết, sau khi tỉnh kiểm soát dịch và chuyển về trạng thái “bình thường mới”, thì xuất hiện thử thách mới là số lượng người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương quá lớn (hơn 50.716 người), gây ra áp lực lớn và nguy cơ rất cao trong phòng, chống dịch.
Tỉnh ủy đã đã ban hành liên tục 3 công điện, công văn, Trung tâm Chỉ huy phải điều động các lực lượng hỗ trợ việc xét nghiệm, đưa người dân về nơi cư trú bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Kiên Giang cũng đã chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người và đang rà soát, phân nhóm đối tượng lao động để có có phương án hỗ trợ, giải quyết việc làm trong thời gian tới.
Theo đồng chí Đỗ Thanh Bình, bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo, bảo đảm công tác vận tải, lưu thông hàng hóa để không bị ách tắc, ùn ứ; cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm an ninh trật tự.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đề nghị UBND tỉnh triển khai ngay thực hiện Quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các sở, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện quy định tại địa phương, gắn với kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh uốn nắn theo nguyên tắc “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”.
Tiếp tục xây dựng và thực hiện các kế hoạch huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực cần thiết cho công tác phòng dịch, kể cả nguồn lực xã hội hóa. Các địa phương tập trung chỉ đạo tốt công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 7, 8 bảo đảm kịp thời theo kế hoạch, khoa học, an toàn, hiệu quả.
Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh...
Được biết, đến nay Kiên Giang được phân bổ tổng cộng 2,43 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đợt dịch lần thứ tư này (từ 21/6), Kiên Giang đã có 7.542 trường hợp mắc, đã trị khỏi 6.716 bệnh nhân, 85 trường hợp tử vong.