Kiểm soát địa bàn trọng điểm chống hàng giả, hàng lậu

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý thị trường trên địa bàn thành phố với nhiều chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ năm trước, góp phần bảo đảm ổn định của thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Ðội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra kho đồ chơi trẻ em, đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại phường Phú Thuận, Quận 7.
Ðội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra kho đồ chơi trẻ em, đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại phường Phú Thuận, Quận 7.

Xử phạt mạnh, vi phạm tăng

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 1.805 vụ (tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước); thu nộp vào ngân sách hơn 37 tỷ đồng (tăng 150,46%); tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 30 tỷ đồng (tăng 93%). Trong kỳ, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố tám vụ án hình sự, đang xem xét tám vụ khác.

Theo Cục Quản lý thị trường, mặc dù công tác đấu tranh kiểm tra, xử lý vi phạm được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, nhưng các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm… vẫn không giảm. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa của các đối tượng kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại, tuy nhiên tình hình kinh doanh hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn không giảm, nhiều trường hợp tái phạm.

Các đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo...) với nhiều thủ đoạn tinh vi để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa được tập kết tại các kho hàng, bến bãi để vận chuyển đi tiêu thụ thông qua các dịch vụ giao nhận.

Ðiển hình như ngày 25/5, Ðội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra Hộ kinh doanh B.B.S VN tại phường Phú Thuận, Quận 7 đã phát hiện và tạm giữ tại đây 3.445 đơn vị sản phẩm đồ chơi và đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước đó, ngày 7/4/2023, lực lượng chức năng kiểm tra địa điểm kinh doanh khu Z11 ở phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 đã phát hiện gần 82.000 đơn vị sản phẩm xì gà, rượu, thực phẩm bổ sung và đồ chơi trẻ em chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ cho nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Ðặc biệt là vụ kiểm tra, thu giữ hơn 10.000m2 tấm lợp lấy sáng Polycarbonate trị giá gần 1,9 tỷ đồng tại hai chi nhánh của Công ty TNHH đầu tư phát triển xây dựng ANT ở huyện Hóc Môn.

Không chỉ tập trung kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng tâm, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường thành phố còn chú trọng kiểm tra các nhóm hàng hóa trọng điểm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm như: kiểm tra 69 vụ, xử lý 52 vụ liên quan thuốc lá điếu nhập lậu, xì gà và thuốc lá điện tử, tổng trị giá hàng hóa vi phạm 3,7 tỷ đồng; kiểm tra, xử lý 408 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ hơn 658.400 sản phẩm với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 22 tỷ đồng; kiểm tra, xử lý 545 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ hơn 560.200 đơn vị sản phẩm, trị giá hàng hóa hơn 20 tỷ đồng…

Kiểm soát địa bàn trọng điểm

Cục Quản lý thị trường thành phố đưa dự báo tình hình kinh tế thành phố 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng sẽ gặp những thách thức, tình hình giá hàng hóa sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản, cần phải kiểm soát kỹ tình hình giá hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng. Trong sáu tháng cuối năm, dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như facebook, zalo… sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, khai báo không đúng khối l­ượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả xuất xứ, không rõ nguồn gốc… sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, logistics. Các đối tượng sử dụng thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Do đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đội quản lý thị trường tập trung thực hiện đúng tiến độ kế hoạch kiểm tra định kỳ 2023 và kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2023. Ngoài ra, Cục còn thực hiện các kế hoạch về đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố năm 2023; Kế hoạch về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023…

Cục Quản lý thị trường thành phố xác định, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tập trung nhiệm vụ xác định đối tượng, tuyến đường, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực nhà ga đường sắt, các tuyến từ đường biển, đường sông, đường hàng không và các khu vực tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa ■