Kiểm soát chặt chẽ quy trình chạy thận nhân tạo

NDO -

NDĐT - Hơn 1.300 bệnh viện cả nước thực hiện được kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Gần 100.000 người mắc bệnh thận mạn tính phải lọc máu định kỳ. Cả triệu ca chạy thận nhân tạo được thực hiện mỗi năm. Do đó, lúc này quan trọng nhất là trấn an người bệnh yên tâm, tin tưởng vào các cơ sở y tế.

Kiểm soát chặt chẽ quy trình chạy thận nhân tạo

[Inforgraphics]: Quy trình chạy thận nhân tạo cần tuân thủ chặt chẽ

Chấn chỉnh chuyên môn, trấn an người bệnh

Theo con số ước tính, tỷ lệ suy thận ở người Việt Nam khoảng 6 đến 7%. Mỗi năm, có hàng triệu ca phải thực hiện chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, trước sự cố tại Bệnh viện (BV) đa khoa Hòa Bình khiến 8 người tử vong làm người dân “bắt đầu” không an yên về số phận của mình.

Vừa thoát khỏi án tử vì là một trong 10 người may mắn vẫn khỏe mạnh sau vụ 18 người bị tai biến y khoa tại Hòa Bình, bà Bùi Thị R. (Kim Bôi, Hòa Bình) được đưa xuống Khoa Thận Tiết niệu (BV Bạch Mai) nhoẻn miệng cười bảo, bà mới chạy thận khoảng 3 năm nay tại BV đa khoa Hòa Bình.

Hỏi bà có sợ không sao vụ tai biến y khoa vừa rồi, bà móm mém “Sợ chứ. Nhưng may mà tôi bị nhẹ. Chỉ bị một chút nôn nao, đau bụng đi ngoài. Chỉ mong các bác sĩ sớm khắc phục sự cố cho chúng tôi về lại Hòa Bình điều trị định kỳ”. Nói rồi bà rơm rớm thương cho 8 người bạn cùng chạy thận định kỳ với mình đã không qua khỏi trong vụ việc thương tâm vừa rồi.

Nằm bên Khoa Thận Tiết niệu, bà Bùi Thị V. (48 tuổi) vẻ mặt chưa hết thất thần bảo “Sợ chứ. Chưa bao giờ chúng tôi bị nôn nao, đau đầu tới thế, người run cầm cập như sốt rét. Cả phòng không một ai là không gặp triệu chứng ấy. Nghĩ lại vẫn còn run cô ạ”.

Bà Nguyễn Thị V. (63 tuổi, Hà Nội) chạy thận đã ngót nghét 10 năm nay. Không khỏi lo lắng trước tai biến y khoa do chạy thận, bà V. tâm sự “Chúng tôi ai nấy đều rất tâm trạng khi đến ngày chạy thận lọc máu định kỳ. Bao nhiêu năm qua, có ai nghĩ, sẽ có tai biến gây hậu quả tới 8 người chết như thế đâu. Giờ chúng tôi chỉ biết phó mặc cho các bác sĩ và máy móc chạy thận. Ngừng một ngày, chúng tôi cũng làm gì còn đường sống”.

Tai biến y khoa khiến 8 người tử vong vì chạy thận nhân tạo được coi là sự cố nghiêm trọng, rúng động toàn ngành y tế. Vì thế, ngay sau sự cố của tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế đã vào cuộc sát sao, chỉ đạo để làm tránh hoang mang dư luận, trấn an người bệnh chạy thận. Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã phải ban hành công văn khẩn, yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện, các cơ sở y tế phải giám sát chặt chẽ quy trình, phải tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.

Trong đợt tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân từ Hòa Bình về Hà Nội để lọc máu định kỳ, chờ BV Hòa Bình khắc phục sự cố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng đã ngay lập tức có công văn yêu cầu các BV trên địa bàn có thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo nhanh chóng tạo rà soát lại quy trình chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra lại toàn bộ máy móc, trang thiết bị đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra sự cố y khoa. BV Thận Hà Nội phải xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu ngoài thận tại tất cả các đơn vị mạng lưới và tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị trong mạng lưới.

Hiện nay, BV Việt Đức có 30 máy chạy thận, mỗi ngày lọc máu cho khoảng 100 người. Sau sự cố tại BV đa khoa Hòa Bình, Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang đã ngay lập tức họp và cho rút kinh nghiệm toàn bệnh viện, đồng thời chỉ đạo rà soát toàn bộ qui trình của tất cả các khoa chuyên môn, đặc biệt là qui trình tiệt khuẩn, súc rửa ở Khoa Thận – Lọc máu.

Các phòng chức năng cùng Khoa Thận – Lọc máu kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị, hóa chất theo quy trình vốn đã được chuẩn hóa từ lâu theo tiêu chuẩn của một BV ngoại khoa hàng đầu và đơn vị ghép tạng lớn. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 6-2017, BV Việt Đức sẽ có thêm hệ thống tiệt khuẩn bằng nhiệt với hai nấc diệt khuẩn bằng hóa chất và vật lý, nhằm giảm tối đa nguy cơ trong quá trình lọc máu.

Tại BV Bạch Mai, một năm đơn vị chạy thận nhân tạo tiến hành lọc máu cho 90.000 ca bệnh thường quy rất an toàn. TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai) khẳng định “Quy trình lọc máu được chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, nên bệnh nhân có thể yên tâm. Tới đây, chúng tôi tiếp tục kết hợp với Sở, Bộ Y tế, cơ quan có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ quy trình để bảo đảm lọc máu thật an toàn”.

Quy trình chạy thận nhân tạo được kiểm soát

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, chạy thận nhân tạo là kỹ thuật khá phức tạp nhưng nếu thực hiện đúng quy trình thì sẽ không xảy ra các biến chứng. Hiện nay, quy trình lọc máu được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế ban hành. Do đó, dù là bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới khi thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký, được Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp phép.

Kiểm soát chặt chẽ quy trình chạy thận nhân tạo ảnh 1

TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai).

Để thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo rất công phu. TS Dũng cho hay, sẽ có một Ban thẩm định gồm Sở Y tế, Bộ Y tế và một đơn vị bên ngoài độc lập khách quan như Bệnh viện Bạch Mai để thẩm định về cơ sở vật chất như mặt bằng không gian có bảo đảm kỹ thuật yêu cầu hay không; máy móc trang thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng bảo đảm chất lượng. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm cho Giám đốc các cơ sở y tế Giám đốc ủy quyền cho Phòng vật tư, các kỹ sư của Khoa thực hiện chạy thận nhân tạo chịu trách nhiệm.

Trong lọc máu định kỳ, hệ thống nước lọc máu rất quan trọng. Vì thế, trách nhiệm cũng được quy định rõ ràng Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm chính, ủy quyền cho Phòng Vật tư cùng lãnh đạo khoa thực hiện chạy thận nhân tạo sẽ nghiệm thu. Các vật tư tiêu hao sẽ tuân theo quy trình thầu.

Về con người, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư phải được đào tạo ở cơ sở mà Bộ Y tế cho phép như BV Bạch Mai, Việt Đức vv…. “Dựa trên số bệnh nhân mà đơn vị đó quản lý, chúng tôi sẽ tính một kíp người đủ để thực hiện kỹ thuật này. Sau khi đào tạo xong, chúng tôi sẽ kiểm tra xem họ có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật không. Theo chương trình 1816, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trải qua thời gian đào tạo sẽ về cơ sở thực hiện trong vòng 1-4 tuần. Chúng tôi cũng cử một đoàn về “nằm vùng” tại đơn vị đó từ một tuần đến ba tháng. Khi nào nhận định các bác sĩ, kỹ thuật viên của cơ sở làm được thì chúng tôi mới rút về” - TS Dũng khẳng định.

Để giám sát quy trình chặt chẽ, tại BV Bạch Mai luôn có điện thoại đường dây nóng để bất cứ lúc nào cần, các đội ngũ thực hiện kỹ thuật này có thể gọi để xử trí kịp thời. BV Bạch Mai cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tay nghề của đội ngũ thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo tại đây. Riêng tại BV đa khoa Hòa Bình, các chuyên gia của BV Bạch Mai cũng có thời gian ba tháng hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ tại đây cho tới khi thành thạo kỹ thuật để họ tự thực hiện kỹ thuật này suốt 10 năm qua.

TS Dũng nhận định, chủ trương phát triển tuyến tỉnh, xã trong việc thực hiện chạy thận nhân tạo là hoàn toàn phù hợp và nhân văn cho những người bệnh ở khắp nơi trên cả nước. Trước đây, hầu như bệnh nhân chạy thận tập trung ở Bạch Mai rất đông với rất nhiều xóm chạy thận. Thời điểm đó, BV Bạch Mai làm không bao giờ đủ thời gian, hầu như phải “chèo” qua ngày hôm sau tới 1, 2 tiếng. Nhưng bây giờ, khi các tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật này, Bạch Mai chỉ còn chạy 4 ca đến 12 giờ đêm. Sau đó chủ yếu dành cho các ca cấp cứu hoặc các ca bệnh phức tạp.

“Những người suy thận mãn không thể đều dồn lên tuyến trung ương mà phải triển khai ở nhiều trung tâm, thuận tiện cho người dân thực hiện lọc máu định kỳ. Chúng ta không nên quá sợ hãi, vì trong bao nhiêu năm đây là lần đầu tiên gặp biến chứng như thế này. Nên tới đây, chúng tôi sẽ rà soát phác đồ, quy định chạy thận trên cơ sở biểu hiện lâm sàng, các xét nghiệm, từ đó sẽ khu trú vào nhóm nguyên nhân nào, rà soát sao cho các quy trình được chuẩn hóa lại” - TS Dũng khẳng định.