Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Kiểm soát chặt chẽ, không được chủ quan, thích ứng an toàn với Covid-19

NDO -

Sáng 9/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri ngành y tế thành phố theo hình thức trực tuyến nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế xã hội lâu dài sau đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Cùng dự tại đầu cầu Hà Nội có lãnh đạo một số bộ, ngành; tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh có lãnh đạo thành phố cùng một số sở, ngành, cử tri ngành y tế.

Cần tính đến chiến lược lâu dài để hỗ trợ đối với những người từng mắc Covid-19

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, nhiều đại biểu là lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế phường, xã, Hội y tế công cộng thành phố… đã đề đạt nhiều nguyện vọng, ý kiến đến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm triển khai nhanh chương trình tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi, trang bị cơ sở y tế và nguồn lực ở các tuyến y tế cơ sở, vấn đề điều trị hậu Covid-19, chính sách đối với y tế tư nhân để công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố mang lại hiệu quả hơn nữa.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Phan Minh Hoàng, vấn đề đặt ra hiện này là phục hồi chức năng cho người bệnh trong và sau điều trị khỏi bệnh Covid-19. Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân xuất viện nhưng vẫn còn bị những di chứng hậu Covid-19 liên quan đến những triệu chứng khó thở, suy hô hấp. Do đó, các bộ, ngành và thành phố phải tính đến chiến lược lâu dài để hỗ trợ đối với những người từng mắc Covid-19.

Nhân lực thiếu và yếu, chuyên môn không đủ đáp ứng yêu cầu chữa trị bệnh nhân Covid-19 nặng cũng được cán bộ lực lượng y tế cơ sở đặt ra. Đại diện Trạm y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) cho biết: Thời điểm đầu tháng 7, khi dịch bùng phát tại phường, có ngày lên đến hơn 100 ca mắc Covid-19. Thế nhưng nguồn nhân lực tại trạm không đáp ứng đủ công việc truy vết, thăm khám cho người dân, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chữa trị cho người dân. Như vậy, một khi trạm y tế phường không nhận được sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời từ các bệnh viện, lực lượng quân y… thì việc kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn.

Theo TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ “gác cổng”, là nơi người dân tiếp cận với cán bộ y tế khi ốm đau, dịch bệnh, để được chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ những điểm yếu trong việc trong việc duy trì hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể là nhân lực, cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Trên cơ sơ đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị các bộ, ngành sớm giao chỉ tiêu số lượng người làm việc theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn, bảo đảm đủ nhân lực thực hiện chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khoẻ người dân và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Về cơ chế chính sách y tế tư nhân thu hút tham gia phòng chống dịch, thành phố kiến nghị cho y tế tư nhân tham gia khám bệnh chữa bệnh cho F0 tại bệnh viện, khu cách ly của bệnh viện, nhà người bệnh, khu cách ly tập trung do doanh nghiệp tổ chức với quy mô nhỏ và vừa. Có cơ chế cho các trạm y tế thực hiện xã hội hóa…

Biểu dương, chia sẻ với đồng bào, cử tri TP Hồ Chí Minh

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết của các cử tri đại diện cho cử tri ngành y tế thành phố. Trong đó có vấn đề tổ chức, quản lý của ngành đối với một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế; đầu tư cho lĩnh vực y tế sao cho xứng tầm; cơ chế chính sách quản lý đối với hệ thống y tế cơ sở; chi phí và hỗ trợ cho các bệnh viện trong quá trình điều trị Covid-19; đào tạo và sử dụng cán bộ y tế… Các ý kiến sẽ được tổng hợp và kiến nghị kịp thời đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với đồng bào, cử tri TP Hồ Chí Minh về những đau thương, mất mát to lớn trong đợt dịch vừa qua. Chủ tịch nước đồng thời bày tỏ cảm thông sâu sắc với sự vất vả, khó khăn của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng y tế cả nước, đặc biệt trân quý những cống hiến, đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh đã ngày đêm hỗ trợ, chăm sóc người bệnh. Nhiều chiến sĩ áo trắng đã dũng cảm cống hiến, hy sinh; nhiều tấm gương làm việc tận tụy quên mình, xả thân làm nhiệm vụ làm lay động lòng người, được xã hội trân trọng cảm ơn và tôn vinh.

Kiểm soát chặt chẽ, không được chủ quan, thích ứng an toàn với Covid-19 -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri ngành y tế thành phố theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Mở cửa nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn

Đồng tình với điều chỉnh chiến lược của Chính phủ từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn với Covid” để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế, Chủ tịch nước nhấn mạnh mở cửa nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Theo Chủ tịch nước, cần đề cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan và nhiệm vụ rất lớn của cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh là không để dịch lây lan diện rộng, không để xảy ra khủng hoảng y tế, nhằm mang lại cuộc sống bình an cho người dân.

Trên cơ sở kế hoạch phục hồi và tái thiết kinh tế của thành phố, trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh, khả năng số ca mắc Covid-19 trong đó có ca bệnh nặng gia tăng do tiếp xúc xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành với nhiều đề xuất của các cử tri nêu ra.

Đó là tiếp tục kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn khi các hoạt động mở cửa trở lại, đẩy mạnh tiêm phủ vaccine cho người dân và nâng cao năng lực điều trị. Rút kinh nghiệm sâu sắc, chia sẻ bài học quý từ thực tiễn trong phòng, chống dịch để có biện pháp hạn chế thấp nhất xảy ra tử vong.

Chủ tịch nước đề nghị nêu cao vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở trong hướng dẫn xã hội, không sợ hãi, không lo lắng, bình tĩnh thích ứng an toàn đại dịch. Tiếp tục cập nhật, điều chỉnh và hoàn thiện mô hình điều trị của thành phố theo hướng đánh chặn từ xa và chăm sóc từ cộng đồng vốn là điểm sáng và đi trước cả nước trong bối cảnh mới.

Chủ tịch nước mong muốn hệ thống y tế thành phố có phương án chủ động hơn nữa, khi lực lượng cán bộ, y bác sĩ, sinh viên trường y tăng cường từ các tỉnh phía bắc và miền trung rút dần, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không để bất trắc xảy ra trên diện rộng.

“Chia lửa”, hỗ trợ các tỉnh miền tây

Đặt vấn đề nếu xảy ra bùng dịch tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo sức ép lớn về y tế cho cả vùng Nam Bộ, trong khi cơ sở vật chất và kinh nghiệm phòng, chống dịch ở các tỉnh miền tây không bằng TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đề nghị TP Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm vùng lớn nhất không chỉ lo cho thành phố mà cần “chia lửa”, hỗ trợ các tỉnh miền tây, nhất là khi người dân rời thành phố về các tỉnh; đồng thời lường hết các tình huống, có kịch bản cụ thể để ứng phó chủ động, hiệu quả với dịch bệnh trong thời gian tới.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ tán thành với các cử tri về việc cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch, nhất là sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Lưu ý huy động sự vào cuộc của các bệnh viện tư, y tế tư nhân và chú trọng giải quyết điểm nghẽn về chính sách bằng những kiến nghị cụ thể. Quan tâm dành ngân sách và đầu tư nguồn lực cho y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cộng đồng nói riêng cả về con người, trang thiết bị, hạ tầng nhằm tổ chức lại và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đáp ứng các thách thức mới về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Muốn vậy, cần tổng kết đánh giá, đề xuất những mô hình bác sĩ chuyên sâu, bác sĩ gia đình, trạm y tế lưu động, các hình thức huy động y tế trong trường hợp đại dịch, trường hợp khẩn cấp… và các cơ chế, chính sách có liên quan khác để chủ động ứng phó tốt hơn sau đợt dịch này.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành y tế nghiên cứu có chế độ đặc thù để phát huy được trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ thày thuốc, trong đó có việc quan tâm đến chế độ, chính sách, điều kiện sống và làm việc của các cán bộ, nhân viên y tế, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và quan tâm khen thưởng, tôn vinh để động viên kịp thời, nhất là những người đang trực tiếp phòng, chống dịch.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam