Tuy nhiên, việc để xảy ra không ít sai phạm của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua cũng cho thấy, hoạt động này cần được quản lý cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn.
OTT truyền hình (Over The Top Televison - giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng internet) là nơi cung cấp sản phẩm truyền hình cho người sử dụng dựa trên các nền tảng internet. Trên thế giới, OTT truyền hình ngày càng thu hút nhiều thuê bao bởi sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị cá nhân (điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop…) giúp người xem có thể truy cập nội dung một cách tiện lợi trong bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Nếu như năm 2016, nền tảng xem phim của Netflix (Mỹ) có 75 triệu thuê bao, Amazon Prime (Mỹ) có 50 triệu thuê bao thì chỉ hai năm sau, số lượng thuê bao của Netflix đã lên đến 93,8 triệu, còn Amazon Prime là 66 triệu. Một cuộc khảo sát năm 2017 với gần 500 chuyên gia làm việc trong ngành truyền thông được thực hiện bởi các hãng Streaming Media, Level 3 Communications, Unisphere Research cho thấy có tới 70% người được hỏi cho rằng năm 2020, lĩnh vực truyền hình sẽ có những thay đổi mạnh mẽ với sự bứt phá, soán ngôi của truyền hình OTT, và hơn một nửa số người được hỏi khẳng định mức tăng trưởng của lĩnh vực này sẽ nằm trong khoảng 30 - 50%. Như vậy có thể thấy tương lai của truyền hình là phát triển đa dạng nội dung trên nền tảng internet.
Không nằm ngoài xu hướng này, tại Việt Nam, hiện có hơn 30 doanh nghiệp truyền hình trả tiền và một nửa trong số đó được cấp giấy phép cho các dịch vụ OTT. Có thể kể đến các ứng dụng OTT truyền hình của nhiều nhà đài như: MyK+ NOW của Truyền hình số vệ tinh K+, SCTV VOD của SCTV (Công ty TNHH truyền hình cap Saigontourist), VTVcab ON của VTVcab (Đài Truyền hình Việt Nam), VTC Now của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, FPT Play của FPT (Công ty cổ phần viễn thông FPT)… Theo các chuyên gia, khi có đầy đủ các yếu tố giúp dịch vụ OTT phát triển mạnh mẽ, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, tiềm năng đó còn lớn hơn khi lượng người thường xuyên truy cập internet được dự báo sẽ ngày càng tăng, có thể đạt tới 92% vào năm 2023 (năm 2018 là 54%). Vấn đề đặt ra là mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào thị trường tiềm năng này nhưng thực tế, các doanh nghiệp OTT truyền hình nước ngoài đã chiếm tới hơn 50% thị phần trong nước với nhiều nền tảng lớn trên thế giới như: Netflix, YouTube, Amazon (Mỹ); Iflix (Ma-lai-xi-a); WeTV, IQIYI (Trung Quốc)... Nội dung trên các dịch vụ truyền hình này chủ yếu là phim, trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế...
SỰ tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài đã khiến thị trường trong lĩnh vực này trở nên sôi động hơn, có thêm nhiều lựa chọn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt khác lại tạo môi trường cạnh tranh không công bằng với các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình trong nước vốn còn những hạn chế về tiềm lực, vốn và công nghệ. Vì lợi thế của các nhà cung cấp dịch vụ OTT là không cần triển khai hạ tầng nên các doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng, nhanh chóng cung cấp dịch vụ trên toàn cầu mà không có khó khăn về công nghệ cũng như pháp lý. Khi tham gia thị trường Việt Nam, các nền tảng nước ngoài như: Iflix, Netflix, Amazon,... còn đẩy mạnh thu mua bản quyền phim Việt bổ sung thêm vào kho dữ liệu vốn rất khổng lồ của họ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chịu khó đầu tư công nghệ, cập nhật các ứng dụng OTT để chạy đua với các nền tảng tên tuổi, không ít đơn vị còn chi trả một khoản lớn cho việc đa dạng nội dung bằng mua bản quyền phim nước ngoài, sản xuất chương trình thực tế nhằm thu hút nhiều thuê bao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước được cấp phép thì phải trả thuế và chịu sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng về nội dung. Thí dụ, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được cung cấp trên một nền tảng trực tuyến của Việt Nam đang chịu ba loại thuế bao gồm: 10% thuế bản quyền, 5% thuế giá trị gia tăng và hơn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện chưa có quy định nào cho các doanh nghiệp nước ngoài về cơ chế kiểm duyệt cũng như không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào với Việt Nam. Chưa kể, một số dịch vụ xuyên biên giới không chỉ cung cấp phim, chương trình có phụ đề tiếng Việt mà mức thuê bao còn rẻ hơn 20% - 30% so với giá thuê các dịch vụ truyền hình trả tiền, nền tảng phim thu phí của Việt Nam. Việc phải chịu thuế khiến giá thuê bao của các dịch vụ OTT truyền hình trong nước khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Kho dữ liệu khổng lồ, đa dạng lựa chọn từ phim đến chương trình truyền hình, tốc độ đường truyền khá ổn định, độ phân giải hình ảnh, âm thanh tốt nhưng giá thành lại rẻ của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đã đẩy các doanh nghiệp trong nước vào một cuộc chạy đua khốc liệt. Hệ quả là doanh thu của không ít doanh nghiệp truyền hình trong nước bị sụt giảm nghiêm trọng, đồng thời doanh nghiệp còn phải đối mặt nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà.
Không chỉ vậy, sự gia nhập của các doanh nghiệp OTT truyền hình nước ngoài tại Việt Nam còn đặt ra những rủi ro về mặt nội dung do chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đăng tải các phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền Việt Nam. Cụ thể, nền tảng phim trực tuyến Netflix đã chiếu loạt phim tài liệu Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) có một số nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam; phim Madam Secretary (Nữ Ngoại trưởng) xuyên tạc chủ quyền Việt Nam khi chú thích phố cổ Hội An ở Quảng Nam - Việt Nam là Phù Lăng - một địa danh của Trung Quốc. Bên cạnh đó, không ít phim trên nền tảng này còn bị chỉ trích là mô tả chi tiết các hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm quá đà, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem như phim: Bánh đa tầng, Polar: Sát thủ tái xuất, Phía sau phim khiêu dâm... Mới đây, phim 365 ngày yêu cũng khiến dư luận phản ứng vì tràn lan các nội dung bắt cóc, buôn bán tình dục, khiêu dâm. Không chỉ Netflix, nền tảng bán hàng trực tuyến Amazon cũng có sai phạm trong việc quảng cáo bán cuốn sách có nội dung xuyên tạc lãnh tụ của Việt Nam, hoặc một số sản phẩm gọi là “sách” của một “nhà xuất bản” bất hợp pháp. Các rủi ro về nội dung như vậy có nguồn gốc từ việc trước khi đến với người sử dụng, các nền tảng nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không chịu sự kiểm duyệt, biên tập, biên dịch của cơ quan quản lý. Chưa kể, nhiều nội dung không được biên tập phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục cũng như quan điểm chính trị của Việt Nam, vấn đề chuyển ngữ trên các kênh này cũng gây nhiều lo ngại, bởi việc sử dụng nhiều từ ngữ thô tục có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem... Những bất cập đó đặt ra yêu cầu phải kiểm soát nội dung trên các kênh sóng này.
Sự tham gia của các doanh nghiệp OTT truyền hình nước ngoài là bình thường và cần thiết, giúp người dùng có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc cần phải quản lý các doanh nghiệp này như thế nào để đem tới sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng, cũng như bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển văn hóa, con người. Thực tế, vấn đề quản lý các dịch vụ OTT xuyên biên giới như thế nào không chỉ được đặt ra tại Việt Nam. Tại In-đô-nê-xi-a, năm 2019, chính phủ nước này đã buộc các dịch vụ OTT xuyên biên giới như Amazon, Google, Netflix, Spotify phải đóng 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh số. Còn Xin-ga-po đã áp 7% thuế đối với Netflix, Spotify và Amazon Prime; đồng thời, để đủ điều kiện kinh doanh, Netflix phải bắt tay với nhà mạng lớn nhất nước này là Singtel. Thái-lan cũng đưa các dịch vụ OTT vào khung quản lý dạng cấp phép để đánh thuế theo cơ chế thuế của chính phủ. Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ buộc phải có giấy phép. Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh. Vì thế, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPay TV) Lê Đình Cường, Nhà nước cần phải tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước. Ông đề nghị phải sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Cụ thể, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới cũng cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký để được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Về nội dung, phải được biên tập, biên dịch và chịu cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng, bảo đảm không để xảy ra sai sót; tránh những thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ xuyên biên giới để truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như các doanh nghiệp trong nước. Hành lang pháp lý cần đóng vai trò điều tiết, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT truyền hình, đồng thời, là căn cứ để kiên quyết xử lý những doanh nghiệp khi để xảy ra sai phạm.
Với tiềm năng thị trường OTT truyền hình còn khá lớn, bên cạnh sự cần thiết phải có hành lang pháp lý đồng bộ, nếu không muốn mất thị phần, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa, với những bước đi có tính sáng tạo, đột phá. Song song với việc đổi mới, đa dạng nội dung, cần quan tâm hơn đến nhu cầu trải nghiệm của khách hàng như: tốc độ, chất lượng âm thanh, hình ảnh,... từ đó chú trọng giải quyết các vấn đề như độ trễ, băng thông, tăng khả năng kết nối và an toàn dữ liệu, bảo đảm cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn, nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Đó là điều kiện tiên quyết để giữ chân khách hàng, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.