Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Hà (34 tuổi, nhân viên kinh doanh tại quận Bình Thạnh) đã bỏ dần thói quen vào chợ vỉa hè để mua thực phẩm. Thay vào đó, chị chọn cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống với những sản phẩm có thương hiệu, ghi rõ nơi sản xuất, thời hạn sử dụng… để mua rau củ, thịt cá. “Mua trong cửa hàng tuy giá có cao hơn chợ vỉa hè nhưng bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong gia đình mình còn có người già và trẻ nhỏ”, chị Hà cho biết.
Gần một tuần qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục diễn ra các hội chợ lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường lễ, Tết; trong đó, nhiều đặc sản như khô trâu, chả mực, rau, củ… từ các tỉnh Hà Giang, Hải Phòng, Lâm Đồng… Mời khách dùng thử thịt trâu gác bếp tại hội chợ kết nối cung-cầu tại Nhà thi đấu Thể dục-Thể thao Phú Thọ (Quận 11), chị Võ Thị Nhung (Hà Giang) giới thiệu, đây là đặc sản mang phong cách ẩm thực của người dân tộc Thái. Thịt trâu được tẩm ướp từ nhiều gia vị như ớt, mắc khén cho nên có vị tê cay, ngọt đậm từ thịt tươi và có mùi khói bếp. Ngoài ra, quầy hàng của tỉnh Hà Giang còn có cam sành, cam vàng, củ sâm đất… đều được trồng tự nhiên, không chỉ tươi ngon mà giá rất hợp lý, chỉ 30 nghìn đồng/kg. “Sản phẩm của chúng tôi đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), bảo đảm chất lượng”, chị Nhung cam kết.
Chào hàng đến Thành phố Hồ Chí Minh đủ các loại rau xà lách, bắp cải, ớt ngọt, dưa leo… trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty TNHH Việt Farm Nguyễn Văn Tiến (Lâm Đồng) cho biết: Sản phẩm rau, củ, quả của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Lotte, Coop Mart. Do đã ký hợp đồng từ trước cho nên giá ổn định, kể cả dịp lễ, Tết.
“Chúng tôi rất chú trọng về các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm, bởi đây chính là sự sống còn của doanh nghiệp. Sản phẩm được kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu gieo giống, canh tác đến thu hoạch, xuất bán. Chúng tôi chủ động lấy mẫu kiểm tra định kỳ, các siêu thị nhập hàng cũng lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tất cả sản phẩm. Đến nay, hầu như chưa phát hiện bất cứ sản phẩm nào có vấn đề”, ông Tiến chia sẻ.
Ở góc độ nhà thu mua, Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống MM Mega Market Việt Nam Phạm Văn Hùng khẳng định: Sản phẩm tươi sống muốn vào siêu thị phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận của địa phương trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi; các sản phẩm khác cũng phải đáp ứng đầy đủ chứng từ liên quan nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Còn đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết, đơn vị này rất quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Saigon Co.op có bộ tiêu chí riêng để đánh giá an toàn thực phẩm của các loại rau, củ quả, thủy, hải sản; có nhân viên thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá nhà cung cấp; ngoài ra, còn có xe lưu động đến tận nơi nuôi trồng lấy mẫu kiểm tra thực phẩm, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa khi đưa vào hệ thống phân phối.
Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 12 vừa qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sỹ Bích cho biết: Đã ký kết hợp tác về việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau, củ quả các loại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại thành phố; có 29 cơ sở sản xuất sơ chế rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Sản lượng rau, củ, quả đạt hơn 38 nghìn tấn/năm, trái cây hơn 1.000 tấn/năm, trà 60 tấn/năm.
Sở An toàn thực phẩm thành phố vừa đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, thời điểm trước, trong Tết và lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024. Theo đó, các đơn vị cùng triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh…; tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm...
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị trường phát hiện một kho đông lạnh ở phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức đang lưu chứa gần 25 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: Bao tử heo, vú heo, dồi trường heo, lá sách bò, trứng gà non,… đang chuẩn bị đưa ra bán trên thị trường. Toàn bộ số thực phẩm nêu trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán, lưu thông trên thị trường.
Phó Cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh: Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là công việc thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, đơn vị xem đây là dịp cao điểm, trọng tâm và tập trung nhiều lực lượng vào công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo đảm người dân có một cái Tết an toàn nhất. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết:
Dự kiến vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng hàng nhập về ba chợ đầu mối tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày. Sở Công thương đang phối hợp với các đơn vị quận, huyện quản lý an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối, chợ truyền thống, tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ và kiểm soát an toàn thực phẩm, chống hàng gian, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...