Nhiều doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo dựa nhiều vào đổi mới công nghệ, mà chưa tập trung áp dụng các giải pháp quản lý để tối ưu quy trình, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Thực tế, thành công của những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian qua gắn liền với việc xây dựng văn hóa cải tiến, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Thí dụ, tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, sáng kiến của công nhân trên dây chuyền hay nhân viên trong các khối nghiệp vụ đã được áp dụng liên tục để cải tiến, chế tạo dây chuyền mới, giúp tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, tối ưu hóa mặt bằng sản xuất...
Sau hai năm phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo (năm 2020-2021), Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nhận được 3.360 sáng kiến, trong đó có 2.255 sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả lớn trong sản xuất, kinh doanh. Bộ phận “tinh hoa” là các nhà khoa học, các kỹ sư đưa tri thức áp dụng vào sản xuất thì các công nhân trên dây chuyền đề xuất giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng trên cơ sở thực tiễn đã góp phần tạo các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao và các quy trình sản xuất tối ưu.
Thời gian qua, thông qua chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, nhiều sáng kiến làm lợi cụ thể đã được Nhà nước tôn vinh. Các sáng kiến đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, và ngược lại. Việc ghi nhận, tôn trọng sự sáng tạo của người lao động đã tạo động lực để họ đổi mới sáng tạo, gắn bó với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo không ngừng, thúc đẩy năng suất, chất lượng. Doanh nghiệp có nhiều đổi mới sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp ít đổi mới. Trong khi đó, mỗi đổi mới trong doanh nghiệp đều xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động, do đó, cần khơi dậy, quản lý hiệu quả các ý tưởng sáng tạo. Theo dự đoán của các chuyên gia, ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ sôi động vì trong điều kiện khó khăn về hạ tầng, máy móc hay thiếu nhà quản lý giỏi, thì các doanh nghiệp này luôn có xu hướng tìm ý tưởng, tìm nguồn lực, hoàn cảnh tạo ra những con người sáng tạo. Do đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở khu vực này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp được quản lý, tận dụng nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh, đổi mới, tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp, thì các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ cần giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng để bảo đảm những ý tưởng sáng tạo được nuôi dưỡng và thực hiện đúng cách nhất. Trong đó, doanh nghiệp cần được tiếp cận bộ tiêu chuẩn ISO 56000 với các hướng dẫn quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả.
Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, với các chiến lược, kế hoạch nhất quán, chứ không chỉ dừng ở các chương trình, cuộc thi sáng tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho người có ý tưởng sáng tạo, bởi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng quan trọng không kém việc đổi mới, phát triển sản phẩm n