Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao

NDO -

Ngày 14/5, tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) Tập đoàn Hùng Nhơn đã tổ chức khởi công dự án “Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai”. 

Các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án.
Các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án.

​“Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” nằm trên địa bàn xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng với quy mô khoảng 100ha, bao gồm: Khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan; nhà máy giết mổ lợn thịt, sản xuất phân hữu cơ, khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ; khu tập kết, thu mua, bảo quản, đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao.

Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai nằm trong kế hoạch giai đoạn 1, có tổng diện tích đất 50ha, công suất 2.500 heo cụ kỵ, ông bà và 25.000 heo hậu bị. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đánh giá cao các nỗ lực của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus trong việc liên doanh hợp tác phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, cung cấp con giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, phù hợp chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

“Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chịu nhiều thách thức từ hội nhập quốc tế, kiểm soát dịch bệnh (dịch tả châu phi/AFS, tai xanh, lở mồm long móng…) và đang nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực, thì có thể nói đây là một dự án điển hình về nông nghiệp công nghệ cao”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.  

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại Gia Lai; đồng thời mang lại cơ hội và giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn, De Heus và Hùng Nhơn hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Gia Lai và các vùng phụ cận”.

Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về Chương trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại khu vực Tây Nguyên với AGRITERRA, tổ chức phi Chính phủ của Hà Lan và De Heus Việt Nam; chứng kiến ký kết hợp tác giữa De Heus Việt Nam và Tập đoàn Hùng Nhơn. Theo đó, các bên sẽ phối hợp cùng với các cơ quan địa phương và các tổ chức xã hội, xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi theo hình thức hợp tác xã; lấy các hợp tác xã làm trung tâm và phát triển, từ đó hướng đến giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi và tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo chương trình hợp tác, trong giai đoạn 2022-2030, sẽ đạt công suất khoảng 10.000 con lợn (tương đương 80.000 con lợn hậu bị mỗi năm), công suất đàn lợn nái khoảng 200.000 con và khoảng 6 triệu con lợn thịt; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi lợn giống quy mô lớn và an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh Tây Nguyên, góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á. Sau khi hoàn thành dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai sẽ triển khai tại Đắk Nông và Kon Tum.

Dịp này, Tập đoàn Hùng Nhơn đã tặng 200 suất quà cho bà con các dân tộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh.