Năm 2016, các hoạt động khuyến công của thành phố sẽ hỗ trợ từ 700 đến 1.000 cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho 10 nghìn đến 12 nghìn lao động nông thôn. Trong đó, tổ chức 120 lớp truyền, dạy nghề, với 80 lớp truyền, dạy nghề tại các làng thuần nông, 40 lớp tại các làng đã có nghề; tổ chức mười lớp tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản trị kinh doanh, thiết kế mẫu sản phẩm… cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ từ 60 đến 70 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và những yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi chương trình khuyến công phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa tác động kích hoạt của nguồn vốn hỗ trợ. Các cấp, sở, ngành liên quan cần triển khai nhanh, cụ thể Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt. Công tác khuyến công cần hỗ trợ tập trung những sản phẩm, mặt hàng, ngành hàng có thế mạnh, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế. Phối kết hợp đồng bộ, hiệu quả với các cơ chế, chính sách của thành phố về phát triển làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình khuyến công quan tâm hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm những yếu tố phù hợp khả năng nguồn vốn, kinh phí, đáp ứng nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Năm 2016 mở ra khả năng lưu thông hàng hóa khá lớn cho những mặt hàng công nghiệp nông thôn Hà Nội, có cả xuất khẩu tại chỗ, khi tình hình kinh tế thế giới, trong nước vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, tự do thương mại gia tăng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, cạnh tranh. Chương trình khuyến công cần hỗ trợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn phát huy nét độc đáo, khác biệt, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ngay trên sân nhà.