Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại).
Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè an toàn; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại nơi neo đậu.Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Đối với công tác ứng phó với bão, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi cần khẩn triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến ảnh hưởng bão.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 13, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay,…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp an-ten viễn thông,… chặt tỉa cành cây để bảo đảm an toàn.
Tiếp tục tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo phương án đã được xây dựng. Trong đó, cần kiểm tra điều kiện an toàn tại các nơi sơ tán tập trung; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập.
Tại huyện đảo Lý Sơn, trưa 14-11 đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo UBND huyện đảo Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12 giờ ngày 14-11 cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).
* Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ tránh bão Vamco
Trong buổi sáng ngày 14-11, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tập trung vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại những nhà xuống cấp, khu nhà trọ mái tôn, khu vực sạt lở… đến nơi an toàn tránh bão, trong đó ưu tiên sơ tán tại chỗ, từ nhà không kiên cố qua nhà kiên cố an toàn gần nhất.
Tại phường An Khê (quận Thanh Khê), từ sáng, lực lượng phản ứng nhanh của phường gồm công an, cán bộ phường, dân phòng, đoàn thanh niên đã có mặt tại các gia đình người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm nhanh chóng di dời trước 11 giờ trưa cùng ngày. Phường cũng đã lập danh sách và thông báo cho các hộ từ trước. Trong đó, sơ tán tập trung 113 hộ, 532 nhân khẩu tại ba điểm Trường mầm non Hồng Đào, hội trường khu vực Tân An và An Xuân; còn 130 hộ, 520 nhân khẩu thực hiện sơ tán tại chỗ.
Bà Đào Thị Châu (82 tuổi) được lực lượng dân phòng hỗ trợ đưa bà lên điểm sơ tán tập trung tại Trường mầm non Hồng Đào. Bà Châu sống với em trai cũng đã lớn tuổi, trong ngôi nhà cấp bốn lợp tôn nên mỗi lần có bão lớn bà đều di tản. “Đây là lần thứ ba trong mùa mưa này bà di tản rồi. Ở nhà mỗi hai thân già, bão vào không thể làm được gì nên bà đi cho an toàn, ở đây được các cháu chăm sóc nên cũng yên tâm”, bà Châu chia sẻ.
Công việc thực hiện di tản người dân được thực hiện đồng loạt ở tất cả các phường, xã trên toàn thành phố. Theo dự kiến, toàn thành phố sẽ sơ tán hơn 92 nghìn người với gần 19 nghìn hộ dân. Các gia đình tranh thủ chèn chống lại cửa nẻo, đa số các hộ đã có kinh nghiệm trong đợt bão số 9 vừa qua nên đều thực hiện chấp hành nghiêm. Từ sáng sớm, tại các chợ, lượng người vào mua đông và tăng nhiều hơn ngày thường. Người dân cũng tranh thủ mua lương thực, thực phẩm đủ dùng trong vài ngày.
Công tác neo đậu tàu thuyền tại các khu trú tránh trên địa bàn thành phố đã được thực hiện hoàn thành với 1.554 phương tiện khai thác thuỷ sản, neo đậu chủ yếu ở âu thuyền Thọ Quang. Lực lượng chức năng cũng đi kiểm tra nhắc nhở tàu thuyền tại âu thuyền thực hiện neo đậu nghiêm túc.
Để ứng phó với bão số 13, thành phố đã thành lập ba đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 13.
Các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, lực lượng chức năng cũng thực hiện hỗ trợ công tác ứng phó, sơ tán nhân dân, chằng chống nhà cửa, phân công cán bộ bám địa bàn; thông tin, tuyên truyền cho nhân dân biết tin bão để chủ động ứng phó; tổ chức di dời nhân dân sống tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai lực lượng hỗ trợ các trường học và nhân dân triển khai chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, vệ sinh môi trường; dự trữ lương thực, nước uống…
* Khẩn cấp giúp dân trong tâm bão Vamco
Sáng 14-11, sức gió mạnh nhất của bão Vamco đã tăng từ 150km/giờ lên 165km/giờ, đạt cấp 13-14 (giật cấp 17), mạnh hơn lúc 22 giờ đêm qua một cấp. Trước tình hình này, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Cổ phần đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty CP Thủy Đặc sản Seaspimex, Công ty Du lịch Vietmark đã quyết định mang hàng vào tâm bão giúp dân, phòng khi sau bão sẽ có lũ lụt chia cắt đường tiếp viện.
Dù Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, lúc 4 giờ tâm bão ở nam quần đảo Hoàng Sa, cách cách Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế khoảng 390km về phía đông, cách Quảng Trị khoảng 510km về phía đông đông nam. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão nhưng sáng 14-11 Quảng Trị mưa to kéo dài, ngập khoảng 1m.
Ngay lập tức, Đoàn công tác đã cử các thành viên có thể lực, giỏi bơi lội đi thuyền vào rốn ngập xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là vùng trũng được mệnh danh là "bảy vùng càng" (là ngập bảy làng) thuộc hạ du sông Ô Lâu.
Tại đây, đoàn đã trao 300 phần quà trị giá 900.000 đồng/phần gồm tiền mặt, chăn ấm và gạo cho 300 hộ neo đơn, khó khăn bị thiệt hại nặng do các đợt bão lũ vừa qua.
Cùng ngày, một đoàn khác của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Cổ phần đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty CP Thủy Đặc sản Seaspimex, Công ty Du lịch Vietmark và một số nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn do lũ lụt gây ra tại địa bàn xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh chịu ảnh thiệt hại nặng nề do các đợt lũ lụt vào cuối tháng 10-2020 vừa qua và cũng là địa phương được dự báo sẽ “đón” bão Vamco.
Đoàn đã trao 410 phần quà, mỗi phần quà trị giá 1.250.000 đồng (bao gồm gạo, chăn ấm, các nhu yếu phẩm và 600.000 đồng tiền mặt) cho 410 hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Cẩm Thạch...
Vui mừng khi đến nhận quà, bà Biện Thị Đường (56 tuổi, ở thôn 6, xã Cẩm Thạch), cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua gia đình bị ngập nước sâu khoảng 1m do nước đổ về quá nhanh không kịp trở tay, đàn gà bị cuốn trôi, toàn bộ lúa bị ướt nảy mầm hư hỏng. Được tặng chăn ấm, gạo ăn và các nhu yếu phẩm và 600.000 đồng, tôi rất cảm động.
Bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Lê Bảo Minh cho biết, đây là số tiền được trích ra từ quỹ từ thiện hằng năm của công ty; tiền đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong công ty và kêu gọi, huy động từ các anh em, bạn bè, đối tác đễ hỗ trợ người dân vùng lũ, với mong muốn góp phần nhỏ vào chia sẻ với bà con nhân dân vùng lũ để sớm vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tại buổi trao quà, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, cho biết, trong đợt mưa lũ cuối tháng 10-2020 vừa qua, trên địa bàn xã điểm ngập lũ sâu nhất là khoảng 2,8m. Toàn xã có 5/6 thôn với khoảng 1.300 hộ dân bị ngập lũ, có một người dân khi trèo lên nhà tránh lũ bị ngã chấn thương; nhiều diện tích hoa màu, cây trồng các loại bị ngập, hư hỏng, chăn nuôi gia cầm bị mất trắng; nhiều tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề… Tổng thiệt hại tài sản ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Sau lũ lụt, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, cứu trợ kịp thời của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, tổ chức, nhà hảo tâm nên đời sống của người dân đến nay đã cơ bản ổn định, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt nhanh chóng hoàn thành. Chỉ mong bão Vamco không vào địa phương!