Trong báo cáo thường kỳ công bố ngày 14-10, IEA cho biết, giá than và khí đốt tăng cao kỷ lục, cũng như tình trạng cắt điện đang khiến ngành điện và các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng chuyển dần sang sử dụng dầu mỏ để duy trì hoạt động của mình.
Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc cắt điện có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và sự phục hồi kinh tế chậm lại. Do đó, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới được dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch, theo IEA.
Cơ quan này cũng đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu dầu thô cho năm nay thêm 170 nghìn thùng/ngày, hoặc tổng cộng 5,5 triệu thùng trong năm 2021, và 210 nghìn thùng/ngày vào năm 2022, hoặc tổng cộng 3,3 triệu thùng/ngày cho năm tới.
Nhu cầu dầu tăng cao trong quý vừa qua đã dẫn đến việc dự trữ các sản phẩm dầu giảm mạnh nhất trong tám năm, trong khi mức dự trữ ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.
Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, khiến giá điện tăng kỷ lục trong bối cảnh tình trạng thiếu năng lượng lan rộng ở châu Á và châu Âu.
Dữ liệu tạm thời của tháng 8 đã chỉ ra nhu cầu cao bất thường đối với dầu nhiên liệu và sản phẩm chưng cất thô và trung bình cho các nhà máy điện ở một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Pakistan ở châu Á, Đức và Pháp ở châu Âu, cũng như Brazil, theo IEA.
Trong khi đó, IEA ước tính rằng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đang lên kế hoạch cung cấp ít hơn 700 nghìn thùng/ngày so với nhu cầu ước tính đối với dầu thô trong quý IV năm nay, có nghĩa là cầu sẽ vượt cung ít nhất cho đến cuối năm 2021.
Năng lực sản xuất dự phòng của nhóm này dự kiến sẽ giảm nhanh chóng, từ 9 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm nay xuống chỉ còn 4 triệu thùng/ngày trong quý II/2022.
Hầu hết sản lượng chỉ tập trung ở một số ít các quốc gia Trung Đông, và sự suy giảm này càng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng đầu tư để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Báo cáo của IEA cho biết, sự gia tăng chi tiêu cho việc chuyển đổi năng lượng sạch là hướng đi cho tương lai, nhưng điều này cần phải được thúc đẩy nhanh chóng, nếu không thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với một “con đường gập ghềnh” phía trước.
Trước đó, IEA cũng cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch là "không bền vững" và phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan này cũng khuyến cáo, đầu tư vào năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp ba lần vào cuối thập kỷ này cho hy vọng chống lại biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.